Cựu Tổng thư ký NATO có công việc mới

GD&TĐ -Cựu Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ là Chủ tịch Hội nghị An ninh Quốc tế Munich (MSC) kể từ năm tới.

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Trong một thông cáo báo chí được công bố vào ngày 8/10, MSC cho biết, chính trị gia người Na Uy, Jens Stoltenberg, sẽ là chủ tịch của tổ chức này, thay thế nhà ngoại giao Đức, Christoph Heusgen, sau cuộc họp lần thứ 61 của hội nghị vào tháng 2/2025.

"Tôi đã dành toàn bộ cuộc đời chính trị của mình để duy trì hòa bình. Thật vinh dự cho tôi khi được làm Chủ tịch MSC, và đóng góp vào sứ mệnh 'hòa bình thông qua đối thoại' của hội nghị. Ít có diễn đàn quốc tế nào quan trọng như MSC trong việc thúc đẩy phòng ngừa xung đột, đối thoại và hợp tác quốc tế", ông Stoltenberg cho biết trong thông cáo báo chí.

MSC là diễn đàn mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu năm 2007, cảnh báo về việc khối quân sự do Mỹ đứng đầu tiếp tục mở rộng về phía đông.

"Rõ ràng là việc NATO mở rộng không liên quan gì đến việc hiện đại hóa chính Liên minh hoặc đảm bảo an ninh ở châu Âu", nhà lãnh đạo Nga cho biết, coi đó là "một hành động khiêu khích nghiêm trọng".

Bài phát biểu này đã được coi rộng rãi là bước ngoặt trong lập trường của Nga đối với NATO, đánh dấu mối quan hệ thù địch hơn giữa hai bên, sau những nỗ lực dường như không thành công trong việc đối thoại hòa bình.

Moscow nhấn mạnh rằng, một trong những mục tiêu chính khi triển khai hoạt động quân sự tại Ukraine vào năm 2022 là ngăn chặn nước này gia nhập NATO.

Nga coi cuộc xung đột này là cuộc chiến ủy nhiệm trên thực tế với khối quân sự phương Tây.

Tuần trước, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nhận nhiệm vụ làm người đứng đầu NATO thay thế ông Stoltenberg sau một thập kỷ nắm quyền.

Trong thời gian làm Tổng Thư ký NATO, ông Stoltenberg đã giám sát việc tăng chi tiêu quốc phòng đều đặn, và bổ sung thêm bốn thành viên mới vào khối do Mỹ lãnh đạo - Montenegro (2017), Bắc Macedonia (2020), Phần Lan (2023) và Thụy Điển (2024).

Là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, cựu Giám đốc NATO đã ủng hộ ý tưởng cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây trong các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga bất chấp những cảnh báo từ Moscow.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ