Tuần này đánh dấu một năm kể từ khi Hamas tấn công miền Nam Israel dẫn đến chiến dịch quân sự của quân đội Israel (IDF) ở Gaza. Chiến dịch này làm gia tăng căng thẳng giữa Israel và các nước Hồi giáo láng giềng, những nước đã đứng về phía người Palestine.
Trong khi đó, đầu tháng này, Israel đã phát động một chiến dịch trên bộ ở Lebanon, còn Iran tấn công nhà nước Do Thái bằng một cuộc tấn công tên lửa quy mô cực lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Pháp phát sóng vào ngày 5/10, Tổng thống Pháp cho biết, các quốc gia phương Tây nên "ngừng cung cấp vũ khí" cho Israel, nhấn mạnh nhu cầu về một "giải pháp chính trị" cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, và cảnh báo rằng, Lebanon có thể biến thành "một Gaza mới".
Những lời nói của ông Macron đã nhận được phản ứng nhanh chóng từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã nói trong một bài đăng trên nền tảng X rằng, Israel "sẽ chiến thắng dù có hay không" sự ủng hộ của phương Tây.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News hôm 7/10, khi được yêu cầu bình luận về đề xuất của ông Macron, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, John Healey, đã nói rõ rằng, London sẽ không ủng hộ lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn đối với Israel của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, vì họ "sử dụng một hệ thống khác" cho việc cung cấp vũ khí.
Ông Healey lưu ý rằng, Vương quốc Anh có các quy định riêng về việc xuất khẩu vũ khí cho nhà nước Do Thái.
“Là một Chính phủ, chúng tôi không cung cấp bất cứ thứ gì trực tiếp cho Israel, nhưng khi có giấy phép xuất khẩu có nguy cơ rõ ràng có thể vi phạm luật pháp quốc tế, thì chúng tôi đã đình chỉ những giấy phép đó khi chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống ở Gaza”, ông Healey nói trong một cuộc phỏng vấn với Sky News hôm 7/10, ám chỉ đến việc Vương quốc Anh đình chỉ 30 trong số 350 giấy phép xuất khẩu vũ khí của mình cho Israel vào tháng trước, bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái.
London đã biện minh cho động thái này vào thời điểm đó bằng cách cảnh báo về “nguy cơ rõ ràng” là những mặt hàng này có thể được sử dụng để vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Healey đồng tình với lời kêu gọi của ông Macron về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, thúc giục cộng đồng toàn cầu "tăng gấp đôi nỗ lực để giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh lớn hơn".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh thừa nhận rằng, "ngoại giao là khó khăn", nhưng cho biết London quyết tâm cố gắng "dẫn đầu một nỗ lực vì một nền hòa bình tốt đẹp hơn" mà cuối cùng sẽ chứng kiến giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.
Tờ Times of Israel trước đó đưa tin rằng, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Israel Netanyahu đã nói chuyện qua điện thoại vào cuối ngày 6/10.
Hai người được cho là "thừa nhận những khác biệt về quan điểm", nhưng ông Macron không rút lại lời kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí ngay cả khi ông Netanyahu cho biết, ông mong đợi "những người bạn của Israel" sẽ "ủng hộ điều đó", không đặt ra những hạn chế đối với Tây Jerusalem.