Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị đề nghị mức án 14-15 năm tù

GD&TĐ - Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, ôngTrần Phương Bình bị đề nghị 14 - 15 năm tù trong vụ án thứ 3 gây thiệt hại 184 tỷ đồng.

Ngày 17/6, phiên tòa xét xử vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng liên quan đến việc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) cho Công ty Cổ phần Đầu tư và du lịch An Phát (viết tắt là Công ty An Phát) vay vốn trái quy định, gây thiệt hại hơn 184 tỷ đồng đối với cựu Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình cùng 9 đồng phạm chuyển sang phần tranh luận.

Trong phiên tòa này, 2 bị cáo là cựu lãnh đạo DAB là Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến đều có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe và được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Trong đó, bị cáo Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến đều bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 14-15 năm tù về cùng tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Các bị cáo còn lại bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị các mức án từ 2 năm tù treo đến 9 năm tù giam về cùng tội danh Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Về dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty An Phát phải bồi thường cho DAB 108 tỷ đồng, các bị cáo phải liên đới bồi thường 76 tỷ đồng còn lại trong tổng thiệt hại vụ án.

Đồng thời, Viện kiểm sát cũng đề nghị tòa tuyên trả lại 123 giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát, bị các bị cáo sử dụng làm tài sản đảm bảo trong các hợp đồng vay vốn trái pháp luật.

Bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát thể hiện 2 bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến với tư cách là Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc DAB, là người chịu trách nhiệm chính, đã phê duyệt trái pháp luật các khoản tín dụng để DAB chi nhánh Hà Nội giải ngân cho Công ty An Phát.

Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình.
Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình.

Ngoài ra, 2 bị cáo trên đã chỉ đạo các nhân viên DAB Chi nhánh Hà Nội phải làm hồ sơ nhanh chóng, giải ngân nhanh, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để Công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn gây thiệt hại lớn cho DAB.

Đối với bị cáo Phan Thúy Mai (cựu giám đốc Công ty An Phát) đại diện Viện kiểm sát xác định bị cáo Mai đã sử dụng các tài liệu giả chữ ký của các cổ đông để thực hiện việc thế chấp tài sản, dùng tài sản đang tranh chấp để thế chấp, thực hiện việc thế chấp tài sản không có sự đồng ý của các cổ đông với mục đích để được giải ngân.

Với hành vi trên, bị cáo Mai bị đề nghị xử phạt từ 7 năm tù đến 8 năm tù; tổng hợp hình phạt với bản án bị cáo này đang phải chấp hành là từ 23 năm tù đến 24 năm tù.

Theo cáo trạng, ông Trần Phương Bình đã giúp Phan Thúy Mai nhiều lần vay tiền tại DAB và trực tiếp phê duyệt gói tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty An Phát.

Ông Bình cùng cấp phó là Nguyễn Thị Kim Xuyến đã chỉ đạo Chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh cho bà Mai, làm hồ sơ gấp, bỏ qua các quy trình thẩm định và không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo.

Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ DAB chi nhánh Hà Nội, quá trình điều tra, các bị cáo này thừa nhận, họ biết bà Mai là khách hàng VIP, có quan hệ với ông Bình, bà Xuyến và được 2 lãnh đạo yêu cầu “tạo điều kiện” cho bà Mai.

Nhóm bị cáo này khai, việc giải ngân khoản vay khi chưa hoàn tất thủ tục về tài sản đảm bảo đều có sự đồng ý và chỉ đạo của ông Trần Phương Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.