Cứu sống bệnh nhân thủng tim do lưỡi cưa văng vào ngực

GD&TĐ - Đang vận hành máy cưa, anh T.V.T. (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá) bị lưỡi cưa gãy bắn vào ngực khiến thủng tim, đứt động mạch vú trong.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật được 3 ngày. (Ảnh: BVĐK cung cấp).
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật được 3 ngày. (Ảnh: BVĐK cung cấp).

Ngày 17/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa cứu sống bệnh nhân T.V.T. (37 tuổi) bị thủng tim, đứt động mạch vú trong do lưỡi cưa văng vào ngực. Đây là một trong những trường hợp có vết thương tim phức tạp.

Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng hết sức nguy kịch, có vết thương hở lớn vùng ngực trái dài gần 10cm do lưỡi cưa văng vào, thủng tim, sốc mất máu, ý thức lơ mơ, mạch và huyết áp không bắt được.

Theo lời kể của người nhà, anh T.V.T. bị mảnh lưỡi cưa gãy bắn vào ngực trong lúc đang vận hành máy cưa.

Nhận định đây là trường hợp có tổn thương bên trong khá phức tạp do dị vật văng vào ngực với vận tốc nhanh và mạnh, nguy cơ tử vong nếu không được phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp để cầm máu cho bệnh nhân, các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lập tức khởi động hệ thống báo động đỏ, xử lý cấp cứu hồi sức và chuyển khẩn cấp bệnh nhân về phòng mổ.

Ê kíp các bác sỹ đã nhanh chóng mở ngực, giải phóng chèn ép tim. Kiểm tra tổn thương thủng tim phát hiện khoang màng tim có vết rách 1cm, đứt động mạch vú trong. Bệnh nhân được khâu vết thương tim, lấy máu đông khoang màng phổi trái, thắt động mạch vú trong và truyền máu liên tục. Do vết thương động mạch khá phức tạp, tổn thương tim lớn nên bệnh nhân mất nhiều máu, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phải truyền 5 đơn vị máu cho bệnh nhân.

Sau gần 2 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân đã cầm được máu vết thương, huyết động ổn định, sức khỏe bệnh nhân tiến triển khá tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực.

ThS-BSNguyễn Tô Hoàng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: "Phẫu thuật cấp cứu vết thương tim, vết thương thấu ngực kèm tổn thương mạch máu là một cấp cứu tối khẩn cấp, độ khó cao, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, xử trí nhanh, chính xác.

Với những bệnh nhân bị vết thương ở tim, 90% sẽ tử vong ngoại viện hoặc tử vong trước phẫu thuật do tình trạng mất máu cấp và chèn ép tim cấp (máu tụ khoang màng tim gây hạn chế hoạt động của tim). Vết thương tim là một thể tổn thương rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng 5%) cần được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển và xử trí”.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong quá trình lao động, sản xuất, hãy trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ lao động cần thiết, kiểm tra kĩ các thiết bị, máy móc trước khi vận hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ