Cứu sống bệnh nhân vỡ gan, sốc mất máu nguy kịch

GD&TĐ - Bệnh Viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật cấp cứu thành công, cứu sống bệnh nhân vỡ gan, sốc mất máu nguy kịch.

Gan bệnh nhân bị vỡ do tai nạn giao thông. Ảnh: BV.
Gan bệnh nhân bị vỡ do tai nạn giao thông. Ảnh: BV.

Bệnh Viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật cấp cứu thành công, giành lại sự sống cho một bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch do vỡ gan độ V.

Bệnh nhân T.T.D. (17 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh) sau tai nạn giao thông được chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, huyết áp không đo được, xây sát da vùng thượng vị, bụng chướng căng, siêu âm có nhiều dịch tự do ổ bụng.

Ngay lập tức, kíp trực cấp cứu đã hội chẩn xác định bệnh nhân bị shock đa chấn thương do chấn thương bụng kín, theo dõi vỡ gan, tiên lượng tử vong cao.

Nhận định tình huống bệnh nhân cần phẫu thuật cấp cứu tối khẩn, báo động đỏ nội viện được kích hoạt, huy động sự phối hợp của các chuyên khoa Ngoại - Hồi sức cấp cứu - Gây mê hồi sức - Huyết học truyền máu. Bệnh nhân được chuyển thẳng xuống phòng mổ.

Tiến hành mở ổ bụng kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có khoảng 2.500ml máu loãng không đông và khoảng 500g máu cục tập trung dưới gan.

Gan trái vỡ dọc theo dây chằng liềm từ bờ trên vòm hoành chạy đến cuống gan gây rách bán phần cuống gan trái, rách tĩnh mạch cửa trái.

Các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu cuống gan trái, tĩnh mạch cửa trái, chèn gạc tạm thời cầm máu nhu mô gan, phối hợp truyền máu, hồi sức tích cực chống sốc trong suốt quá trình phẫu thuật.

Sau 7 ngày hậu phẫu ổn định, đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân phục hồi tốt, có thể sinh hoạt, đi lại bình thường.

Theo các bác sĩ, vỡ gan do chấn thương là một cấp cứu thường gặp trong chấn thương bụng, là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong với tỷ lệ 10 - 15%.

Vỡ gan trong chấn thương bụng kín rất phức tạp, đòi hỏi phải chẩn đoán đúng và xử trí thích hợp để tránh nguy cơ tử vong do shock mất máu.

Khi bị chấn thương vỡ các tạng như gan, thận, lách… nạn nhân thường gặp phải một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động và các chức năng sống của cơ thể, cuối cùng là suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong.

Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ cấp cứu với mục tiêu để cầm máu. Trường hợp không cầm máu được thì sẽ cắt tạng bị tổn thương nếu đủ các điều kiện cho phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ