Cựu phóng viên chiến trường truyền cảm hứng đến thế hệ làm báo trẻ

GD&TĐ - Sự kiện có sự hiện diện của hơn 40 cựu phóng viên chiến trường từng đưa tin về cuộc chiến ở Việt Nam.

Các cựu phóng viên quốc tế đang giao lưu với khán giả. Ảnh: Lê Kim Quý
Các cựu phóng viên quốc tế đang giao lưu với khán giả. Ảnh: Lê Kim Quý

Ngày 28/4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) đã tổ chức Buổi giao lưu giữa các Nhà báo, Phóng viên quốc tế và sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Kế hoạch 2765/KH-UBND của UBND TPHCM, tạo cơ hội quý báu cho sinh viên tiếp cận những bài học thực tiễn sâu sắc về nghề báo trong bối cảnh chiến tranh và khủng hoảng.

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Nhà trường, nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc kết nối cộng đồng và xây dựng sự đoàn kết xã hội, đồng thời khẳng định việc nhìn lại quá khứ chính là nền tảng để hướng đến tương lai.

ba-lan.jpg
GS.TS. Ngô Thị Phương Lan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Kim Quý

Bên cạnh đó, các hoạt động còn nhằm giới thiệu đến các phóng viên nước ngoài bức tranh phát triển năng động của TPHCM trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong giáo dục - đào tạo, với nòng cốt là Đại học Quốc gia TPHCM. Đây cũng là dịp để sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông trực tiếp học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các cựu phóng viên chiến trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ.

Buổi giao lưu vinh dự đón tiếp những nhân chứng lịch sử đặc biệt: các cựu phóng viên chiến trường từng đưa tin về cuộc chiến Việt Nam, các phóng viên quốc tế đến từ những quốc gia đã ủng hộ Việt Nam và các phóng viên kiều bào.

Các nhà báo kỳ cựu đã có một buổi giao lưu đầy ý nghĩa với các sinh viên, ông Haymes Jeffrey Howard (cựu phóng viên) chia sẻ: Các nhà báo trẻ cần giữ vững cam kết với sự thật, vượt qua những rào cản trong môi trường truyền thông trực tuyến thế kỷ 21, nơi công nghệ - đặc biệt là điện thoại thông minh - vừa là công cụ hữu ích, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
"Điều quan trọng hơn hết vẫn là luôn trung thực với chính mình, trung thực trong việc đưa tin, và tuyệt đối không được bóp méo hay vu khống sự thật. Dù chúng ta đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chúng ta có chung một sứ mệnh - là phóng viên - nhiệm vụ của ta là truyền tải sự thật đến với thế giới”- ở Howard nói.

hoi-truong.jpg
Khán giả hào hứng và vui vẻ với câu chuyện của các cựu phóng viên. Ảnh: Lê Kim Quý

Ông James Andrew Laurie (cựu phóng viên) chia sẻ bài học về đạo đức nghề nghiệp và tinh thần chủ động trong công việc:

Theo ông; yếu tố then chốt giúp phòng trẻ tạo dấu ấn trong ngành không phải là ngồi chờ điện thoại reo như ngày xưa - giờ đây là chờ tin nhắn hay các thông báo tức....mà chính là sự chủ động.

"Hãy tự mình xây dựng ý tưởng, kiên trì theo đuổi chúng, đừng vội nản lòng chỉ vì nghĩ rằng “mình chưa được trả công”. Hãy phát triển ý tưởng một cách bài bản, đào sâu và nghiêm túc với nó. Tôi tin rằng đây chính là cách hiệu quả nhất để tồn tại và phát triển bền vững trong sự nghiệp phóng viên này”.- ông Laurie nói.

dsc-0683.jpg
Ông Haymes Jeffrey Howard chia sẻ lời khuyên cho sinh viên tại sự kiện. Ảnh: Lê Kim Quý

Không khí trang trọng và xúc động của buổi giao lưu giúp thế hệ trẻ thấm thía hơn những giá trị cốt lõi của nghề báo: trung thực, dũng cảm và kiên định. Các nhà báo quốc tế không chỉ mang đến những câu chuyện chân thực về chiến tranh mà còn truyền cảm hứng để sinh viên hôm nay không ngừng vươn lên trong một thế giới truyền thông đầy biến động.

Sự kiện đã góp phần làm giàu thêm hành trang nghề nghiệp cho những sinh viên trẻ đã và đang trên đường trở thành những nhà báo, phóng viên tương lai, sẵn sàng kể tiếp những câu chuyện của thời đại mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ