Cựu nhân viên Apax Leaders 'kêu cứu' vì bị công ty nợ lương, bảo hiểm

GD&TĐ - Nhiều người lao động từng là nhân viên Công ty CP Anh ngữ Apax tại thành phố Vinh (Nghệ An) phản ánh việc bị Công ty nợ lương và Bảo hiểm xã hội.

Trung tâm Anh ngữ Apax- Apax Leaders Vinh 2 tại thành phố Vinh, Nghệ An.
Trung tâm Anh ngữ Apax- Apax Leaders Vinh 2 tại thành phố Vinh, Nghệ An.

Vừa qua, Báo Giáo dục và Thời đại nhận được phản ánh của một số người lao động, từng là nhân viên Công ty CP Anh ngữ Apax - Apax Leaders (gọi tắt là Công ty Apax, trụ sở chính tại Hà Nội) tố cáo về việc bị công ty này nợ lương và nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Anh Hoàng Văn Huỳnh (SN 1989, trú tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết, từ tháng 8/2017-2/2022, anh là Quản lý tuyển sinh cao cấp tại Trung tâm Anh ngữ Apax - Apax Leaders Vinh 2 (địa chỉ tại số 146, đường Nguyễn Sỹ Sách, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh).

Theo anh Huỳnh, những năm đầu làm việc tại đây, anh được công ty trả lương, thưởng, chế độ phụ cấp đầy đủ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 trở đi, Công ty Apax bắt đầu chậm lương nhân viên.

“Ra Tết 2020 trở đi là bắt đầu chậm lương 2-3 tháng và trả lặt nhặt theo từng đợt. Một tháng lương chia ra 6-7 đợt, có khi trả 10 đợt. Ví dụ như lương tháng 1 thì sang tháng 3 mới trả nhỏ giọt lương tháng 1.

Đến tháng 8/2021, các giáo viên nước ngoài bị nợ lương nhiều nên họ nghỉ, làm ảnh hưởng đến lớp học không mở được. Tuyển sinh vào phụ huynh chờ có khi gần 1 năm trời vẫn không có lớp”, anh Huỳnh cho biết.

Theo người đàn ông này, từ tháng 5/2021 đến khi anh nghỉ việc (10/2/2022), Công ty Apax vẫn đang nợ anh số tiền lương hơn 51 triệu đồng.

Trung tâm Anh ngữ Apax - Apax Leaders Vinh 2 nơi anh Huỳnh từng làm việc.

Trung tâm Anh ngữ Apax - Apax Leaders Vinh 2 nơi anh Huỳnh từng làm việc.

Mặc dù anh Huỳnh từng nhiều lần gọi điện, gửi email đến lãnh đạo của Công ty Apax, yêu cầu trả hết số tiền lương còn lại, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Người này cho biết thêm, phía Công ty Apax từng gửi email, yêu cầu người lao động chuyển đổi tiền lương còn nợ sang trái phiếu do công ty phát hành nhưng anh không đồng ý.

“Tôi là lao động chính trong gia đình có bố mẹ già và 2 con nhỏ, hằng tháng còn phải trả tiền thuê nhà. Việc bị công ty nợ lương khiến cuộc sống gia đình tôi lâu nay rất khó khăn, vất vả. Mong muốn công ty thanh toán nợ lương dứt điểm, không chi trả nhỏ giọt”, anh Huỳnh nói.

Tương tự hoàn cảnh của anh Huỳnh, chị Vi Thị Thanh Sang (SN 1989, trú tại phường Quán Bàu, thành phố Vinh) cho biết, hiện tại Công ty Apax đang nợ mình số tiền hơn 109 triệu đồng. Trong đó, nợ lương hơn 77,3 triệu đồng, nợ tiền BHXH hơn 31,7 triệu đồng.

Chị Sang gắn bó với Công ty Apax từ năm 2015 tại các bộ phận chăm sóc khách và sau đó là giáo viên tại Apax Hà Đông 1. Năm 2018, chị được chuyển về làm Quản lý vận hành tại Apax Leaders Vinh 2.

Theo người phụ nữ này, việc công ty trả chậm lương, nợ lương bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2019, kéo dài đến năm 2022. Vì không đảm bảo được cuộc sống, tháng 2/2022, chị Sang quyết định nghỉ việc tại đây. Từ đó đến nay, hơn 77,3 triệu đồng tiền lương của chị vẫn chưa được giải quyết.

Điều đáng nói, mặc dù hàng tháng Công ty Apax đều khấu trừ một phần tiền lương của chị Sang để đóng BHXH. Tuy nhiên, khi sinh người con thứ 2 (tháng 1/2020), đã hơn 2 năm trôi qua nhưng chị vẫn chưa được công ty chi trả chế độ thai sản.

Theo app BHXH được cài đặt trên điện thoại của chị Sang, tại mục Thông tin hưởng ốm đau thai sản vẫn hiển thị thông tin chị được chi trả 31.780.000 đồng, tên đơn vị Công ty CP Anh ngữ Apax.

Thông tin hiển thị trên app BHXH của chị Sang.

Thông tin hiển thị trên app BHXH của chị Sang.

“Tôi làm việc ở Apax khá lâu, cũng hiểu và thông cảm cho công ty. Nhưng thời gian dài công ty không hồi âm, không đảm bảo được quyền lợi của mình. Công ty khó khăn nhưng thực sự chúng tôi cũng khó khăn, phải xoay sở lo cho cuộc sống gia đình và 2 con nhỏ”, chị Sang tâm sự.

Vì không đòi được quyền lợi, đầu tháng 10 vừa qua, chị Sang, anh Huỳnh và nhiều "cựu" nhân viên của Công ty Apax đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An tố cáo việc Công ty Apax nợ tiền lương và BHXH.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Trung Hậu - Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, đơn vị đã nhận được đơn khiếu nại của người dân về việc Công ty CP Anh ngữ Apax nợ lương và BHXH. Hiện, Sở đã chuyển đơn, yêu cầu công ty này giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Trong khi đó, bà Lê Minh Hằng – Trưởng Ban Truyền thông, Công ty CP Anh ngữ Apax xác nhận việc có một số nhân viên Apax Leaders tại Nghệ An đang bị nợ lương. Trước mắt, Công ty Apax đang thống kê, rà soát và sớm có phương án chi trả, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Công ty Apax bị tố nợ tiền thuê mặt bằng tại Trung tâm thương mại Eco City, "chây ì" không chịu thanh lý hợp đồng.

Công ty Apax bị tố nợ tiền thuê mặt bằng tại Trung tâm thương mại Eco City, "chây ì" không chịu thanh lý hợp đồng.

Trước đó, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại DPA (có trụ sở tại thành phố Vinh) cũng tố cáo Công ty Apax vi phạm hợp đồng cho thuê mặt bằng tại Trung tâm thương mại Eco City.

Đại diện Công ty DPA cho biết, từ 1/6/2021 đến nay, Công ty Apax còn nợ số tiền hơn 822 triệu đồng. Mặc dù trung tâm Anh ngữ tại Eco City đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 7/2021 nhưng đến nay Apax vẫn không trả mặt bằng, thanh lý hợp đồng.

Theo danh sách các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng 9/2022 được BHXH thành phố Hà Nội công bố, Công ty CP Anh ngữ Apax hiện đang nợ tiền bảo hiểm hơn 48,7 tỷ đồng của 415 người lao động, thời gian nợ 31 tháng.

Tại Nghệ An, Công ty Apax từng có 3 trung tâm Apax Leaders, nhưng hiện nay 2/3 trung tâm đang tạm dừng hoạt động, học sinh được chuyển về Apax Leaders Vinh 2 học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ