Phụ huynh từng đạp đổ cổng trường Thực nghiệm để xin học
Theo đó, PGS Lân Hiếu cho biết ông sẽ nói theo cách "được nghĩ", đã học trong mái trường Thực Nghiệm mà ông luôn yêu thương.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu
Bởi “Trước hết phải khẳng định cách học tiếng Việt của trường Thực nghiệm có sự khác biệt. Khi các bạn học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước rồi đến chữ rồi mới ghép vần. Nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Thơ lục bát có 6 âm ở câu trên và 8 âm ở câu dưới với nguyên tắc âm thứ 6 của câu trên đồng với âm thứ 6 của câu dưới.
Mỗi chữ cái đều có tên gọi. Ví dụ C ta đọc là xê (vitamine C) đó là tên của chữ cái đó. Nhưng âm phát ra khi đọc nó là cờ. Đó chính là sự khác biệt giữa âm và chữ.
Để dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: Chữ Q và K tên của nó là quy và ca (khi đánh bài ta vẫn gọi là quy cơ, ca bích....) nhưng âm của nó phát ra khi ghép vào từ thì vẫn là cờ...”, PGS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho biết, đó là về mặt nguyên lý khoa học. “Còn về thực tế thì chúng tôi - những học sinh Ái Hữu Thực Nghiệm là những bằng chứng rõ ràng nhất. Chúng tôi sắp tổ chức 40 năm Thực Nghiệm vào ngày 3.11.2018. Nếu bạn nào còn nghi ngờ xin mời đến để xem, để nghe chúng tôi "phát âm"" trong đêm gala ấy nhé”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, PGS Nguyễn Lân Hiếu cũng hóm hỉnh khi nhắn nhủ tới các bạn định ký vào đơn đòi hủy chương trình giáo dục thực nghiệm của một luật sư rằng “chắc không ai quên được cách đây chỉ 5 năm, các phụ huynh học sinh đạp đổ cả cổng trường để nộp đơn xin học ... trường Thực Nghiệm”.
Kết quả cuối cùng là biết đọc, biết viết
Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định: Tiếng Việt là tiếng Việt, kể cả cách viết lẫn cách đọc không hề thay đổi sau khi học theo phương pháp của thày Hồ Ngọc Đại.
“Phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại được gọi là Công nghệ Giáo dục và được viết để dạy học sinh học vần nhanh chóng. Học vần bằng cách này hoặc cách cũ đều cho kết quả như nhau là trẻ biết đọc và biết viết”, TS. Vũ Thu Hương nói.
TS. Vũ Thu Hương
Theo vị TS này phương pháp học vần theo Công nghệ giáo dục được nhiều chuyên gia đánh giá là học khá nhanh, hiệu quả và sau đó học sinh không mắc phải các lỗi chính tả thông thường.
“Đương nhiên, sau khi học phương pháp học vần này, các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt vẫn giữ nguyên giá trị, chữ K vẫn là chữ K, chữ qu vẫn là chữ qu, không có biến tướng gì hết. Đây đơn giản chỉ là phương pháp học vần, nó hoàn toàn không liên quan đến sáng kiến đặc biệt của GS. Bùi Hiền về cải cách chữ viết”, TS Hương khẳng định.
Một lần nữa, TS. Hương nhấn mạnh, phần lớn các phụ huynh có con đã hoặc đang theo học phương pháp này thì không có ý kiến số đang “lên đồng” phản đối phần lớn là lần đầu tiên được tiếp cận với công nghệ giáo dục.
“Bất kể một sáng kiến nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối do suy nghĩ quen nếp của những người lần đầu tiếp xúc. Nếu tìm hiểu kĩ về phương pháp này, các phụ huynh sẽ hiểu và không có ý kiến phản đối nữa”, TS Vũ Thu Hương tin tưởng.
Từng trả lời phỏng vấn Báo điện tử Infonet, GS Hồ Ngọc Đại nói: “Ở phương pháp cũ ai cũng dạy được, có khi mẹ dạy tốt hơn cô giáo. Nhưng với phương pháp mới của tôi, thì ngoài cô giáo không ai làm được. Bố mẹ không làm được. Trẻ con chỉ cần học ở trường là đủ. Ra khỏi cổng trường là được chơi với bố mẹ. Việc này chúng tôi đã làm mấy chục năm rồi”.