Chiều 12/4, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án đối với 13 bị cáo trong vụ án “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”, trong đó có cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.
Theo đó, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị tuyên mức án 10 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Trương Xuân Đước bị tuyên mức án 24 tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và 7 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Đước lãnh mức án 9 năm tù.
Hội đồng xét xử tuyên vợ của Đước là bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh tổng mức án 4 năm 6 tháng tù cùng về hai tội danh trên.
Ngoài ra, tòa buộc vợ chồng bị cáo Đước phải khắc phục số tiền hơn 41 tỷ đồng, trong đó hai bị cáo này đã nộp 5 tỷ đồng nên số tiền cần phải nộp thêm là trên 36 tỷ đồng.
Đối với nhóm tội “Nhận hối lộ”, tòa tuyên mức án 6 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Đình Đương, cựu Chi Cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP Hải Phòng và mức án 4 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Đỗ Thanh Hoài, cán bộ dưới quyền của Đương.
Ngoài ra, hai bị cáo này bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Các bị cáo còn lại, Đặng Khắc Thành lãnh mức án 18 tháng tù. Hà Thị Bích Nhàn lãnh 15 tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
Các bị cáo còn lại chỉ phải nộp phạt số tiền thu lợi bất chính, gồm Đỗ Thị Đua phải nộp phạt 2,5 tỷ đồng; Hà Thị Trang là 1,5 tỷ đồng; Vũ Ngọc Tú nộp phạt 1,2 tỷ đồng; Chu Thị Thu Hiền nộp 800 triệu đồng; Nguyễn Hiền Tài nộp 350 triệu đồng và Ngô Văn Tuyên là 300 triệu đồng.
Liên quan đến nhiều tài sản của gia đình ông Đỗ Hữu Ca bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh thu giữ để tiếp tục xác minh, hội đồng xét xử đánh giá những tài sản này không liên quan đến vụ án nên không có cơ sở để xem xét giải quyết.
Các bị cáo tại tòa. |
Trước đó, chiều 10/4, tại TAND tỉnh Quảng, bị cáo Đỗ Hữu Ca khai nhận 35 tỷ đồng chỉ là “giữ giúp”, không phải để chạy án.
Bị cáo Ca khẳng định đã nói với Ngọc Anh rất kỹ, nói về số tiền khắc phục hậu quả chứ không hề nói với Ngọc Anh về việc mang tiền đi chạy tội.
Cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho rằng, cái sai của mình là chủ quan, nghĩ rằng đây là tiền khắc phục hậu quả nên không hỏi rõ đây là tiền gì.
Tuy nhiên, sáng 12/4, mở đầu phiên xử sơ thẩm ngày làm việc thứ 2, luật sư của bị cáo Đỗ Hữu Ca đã xin phép chủ tọa phiên tòa cho phép được quay lại phần xét hỏi đối với thân chủ của mình bởi đây là nguyện vọng của thân chủ.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Đỗ Hữu Ca nói xin nhận tội đúng như cáo trạng của VKS truy tố.
“Đêm qua tôi về suy nghĩ rất nhiều, bị cáo thấy nhận thức của mình chưa rõ, chưa tương xứng với hành vi của mình. Tôi nghỉ hưu đã lâu, suy nghĩ pháp luật lỗi thời, tuổi già nên tiếp cận cái mới khó khăn.
Hôm qua tôi khai trước tòa, tôi với Ngọc Anh không đồng quan điểm, không hiểu ý nhau nhưng vô hình trung tôi đã tiếp nhận ý của bị cáo Ngọc Anh nhưng tôi không cầm tiền chạy án. Theo giải thích, phân tích trước tòa, tôi nhận thức hành vi của tôi đúng như cáo trạng, kết luận điều tra đã nêu”, bị cáo Đỗ Hữu Ca trình bày.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca cảm ơn HĐXX, VKS đã giải thích về hành vi sai phạm của mình và xin nhận tội như cáo trạng đã nêu.
Bị cáo cho biết bản thân hết sức ăn năn, hối hận về hành vi của mình và xin được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Cáo trạng nêu, vợ chồng Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh ở Hải Phòng đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm kiếm lời bất chính. Số lượng hóa đơn Đước và Ngọc Anh mua bán trái phép là hơn 15.600 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.
Quá trình hoạt động, Đước và Ngọc Anh đã đưa hối lộ cho Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài, cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng) 362 triệu đồng để được tạo điều kiện thành lập các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Đáng chú ý, khoảng thời gian tháng 10 đến tháng 12/2022, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa cho ông Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng để nhờ chạy tội. Ông Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát khỏi việc bị xử lý tội Mua bán hóa đơn trái phép, nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được. Ông Ca đã nhận và chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Đước và Ngọc Anh.
Quá trình điều tra, ông Đỗ Hữu Ca khai Đước và Ngọc Anh đã 4 lần mang tổng số tiền 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Ca không thừa nhận việc nhận số tiền trên để chạy tội cho Đước mà số tiền này vợ chồng Đước chủ động mang đến để vào trong phòng khách và phòng ngủ của nhà Ca. Bản thân ông Ca nghỉ hưu nhiều năm, các mối quan hệ không còn nhiều, không có khả năng chạy tội cho Đước và cũng không tác động, sử dụng tiền này để chạy tội cho Đước.
Ông Ca đã chủ động nộp lại số tiền 35 tỷ đồng đã nhận từ vợ chồng Trương Xuân Đước.
Theo cáo trạng, ông Đỗ Hữu Ca có tình tiết giảm nhẹ khi có nhiều bằng khen, thành tích trong quá trình công tác; đặc biệt là đã tự nguyện nộp lại 35 tỷ đồng đã nhận từ vợ chồng Trương Xuân Đước.