Cựu chiến binh 70 năm tuổi Đảng nặng lòng với công tác từ thiện

GD&TĐ - Trở về với lo toan thường nhật, cựu chiến binh Bùi Vỹ (SN 1931) vẫn vẹn nguyên phẩm chất người lính Cụ Hồ.

Cựu chiến binh 70 năm tuổi Đảng nặng lòng với công tác từ thiện

Ông đã tích cực tham gia nhiều công việc ý nghĩa, thiết thực ở địa phương và nhận được sự đồng tình, quý mến của người dân.

Đi qua thời hoa lửa

Hơn 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, trí nhớ của cựu chiến binh Bùi Vỹ (SN 1931, trú tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đã đôi phần quên lãng theo thời gian. Duy chỉ có ký ức của những tháng năm binh nghiệp vẫn còn nguyên vẹn và trào dâng niềm tự hào trong ông.

Năm 1952, chàng thanh niên Bùi Vỹ lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị ông được lệnh điều động sang Thượng Lào làm công tác dân vận. Tại đây, chàng lính trẻ luôn nỗ lực vun đắp tình hữu nghị Việt Lào và làm tốt công tác thắm tình đoàn kết 2 dân tộc.

“Khi bộ đội sang người dân còn rất e ngại, qua thời gian, chúng tôi vừa sống và cùng giúp dân nên bà con dân tin yêu. Được đón nhận tình cảm trân trọng, quý mến của nhân dân trên địa bàn, chúng tôi cảm thấy rất tự hào và phấn khởi vì đã góp sức mình đem lại cuộc sống ổn định hơn cho bà con nhân dân nơi đây”, ông nói.

Cựu chiến binh Bùi Vỹ (SN 1931, trú tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh).

Cựu chiến binh Bùi Vỹ (SN 1931, trú tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh).

Năm 1954, theo bước quân hành của Sư đoàn 304, ông cùng đơn vị có mặt tại Điện Biên Phủ chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử. Đơn vị ông nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu tiêu diệt quân Pháp ở cứ điểm phía Nam Hồng Cúm.

“Ban đêm, mỗi chiến sỹ phải đào 4m giao thông với độ sâu là 1,8m và rộng 1,2m, cứ liên tục ròng rã như thế 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Đó là những ngày tháng nguy khó nhưng hào hùng của dân tộc. Trung đoàn tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn chặn không cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ rút chạy sang Lào góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu”, ông tự hào.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ngày 9/10/1954 trung đoàn 57 được lệnh tiến về Hà Nội với nhiệm vụ vào tiếp quản các căn cứ, cơ sở quân sự, các vị trí then chốt.

Cựu chiến binh Bùi Vỹ trao tiền ủng hộ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 (ảnh tư liệu năm 2020).

Cựu chiến binh Bùi Vỹ trao tiền ủng hộ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 (ảnh tư liệu năm 2020).

“Được tham gia tiếp quản Thủ đô là niềm vinh dự đối với cán bộ, chiến sĩ trung đoàn chúng tôi. Khi vừa vào đến Thủ đô, tất cả anh em bộ đội đều rất bất ngờ và xúc động trước cảnh bà con mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, bất chấp trời mưa, đường trơn, từ khắp các đường làng, ngõ xóm vừa chạy, vừa gọi nhau ra đón bộ đội. Chúng tôi cảm tưởng như về đến nhà”, nhớ lại những thời khắc lịch sử người lính già xúc động.

Ông cũng tự hào khi bản thân đã được sống trong những thời khắc lịch sử của dân tộc. Với những thành tích đạt được, năm 1954 chiến sỹ trẻ Bùi Vỹ được vinh dự kết nạp vào Đảng.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Năm 1957, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông chuyển ra ngoài làm ở ngành thuỷ lợi Nghệ - Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu.

Trở về địa phương, người lính già vẫn miệt mài đảm đương nhiều vai trò tại địa phương như: Trưởng khối phố; Bí thư Tổ dân phố. Dù ở cương vị nào, ông Bùi Vỹ được biết đến là một đảng viên gương mẫu, hăng hái đi đầu trong các phong trào thi đua.

Trong các dịp Tết đến xuân về ông đã kêu gọi con cái trong gia đình đóng góp gửi hàng trăm suất quà cho các gia đình khó khăn trong khối phố nơi ông sinh sống. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, đã nhiều lần ông dùng những đồng lương hưu tiết kiệm được để hỗ trợ cho các lực lượng chống dịch. Những nghĩa cử cao đẹp và đạo đức lối sống của ông được con cháu noi theo và bà con lối xóm trân trọng.

Những việc làm thiện nguyện của ông được địa phương và người dân ghi nhận. (Ảnh tư liệu).

Những việc làm thiện nguyện của ông được địa phương và người dân ghi nhận. (Ảnh tư liệu).

Năm 2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh, cựu chiến binh Bùi Vỹ đã kêu gọi con cháu đã ủng hộ số tiền 20 triệu đồng cho Quỹ Phòng, chống Covid-19 của tỉnh. Cũng trong năm 2020, ông cũng đã trích một phần lương hưu tặng 5 triệu đồng cho các chiến sỹ tại chốt phong tỏa tại Cầu Phủ (TP Hà Tĩnh).

Chia sẻ về những việc làm của mình, ông chỉ cười và nói: “Đã là Đảng viên thì luôn đi trước nêu gương đi trước, làng nước theo sau. Với lại, đó cũng là cách tôi giáo dục con cháu trong nhà, dù có nói hay cũng không bằng hành động đúng”.

Hiện nay, 8 người con của cựu chiến binh Bùi Vỹ đều khôn lớn trưởng thành mỗi người một công việc nhưng đều cống hiến cho xã hội. Trong đó điển hình có 2 người con trai hiện là doanh nhân thành đạt ở miền Nam. Noi gương bố, ngoài sản xuất các anh đều dành một phần để làm từ thiện như tặng bàn ghế cho học sinh vùng cao, ủng hộ các hộ gia đình khó khăn, neo đơn…

Đại gia đình cựu chiến binh Bùi Vỹ.

Đại gia đình cựu chiến binh Bùi Vỹ.

“Gia đình cụ Bùi Vỹ là một gia đình văn hóa, gương mẫu trong sinh hoạt tổ dân phố và cộng đồng xã hội. Bản thân cụ là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, hội viên trong chi hội học tập, noi theo”, ông Lê Thành Vinh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nam Hà nói.

Với những đóng góp của bản thân trong 2 cuộc kháng chiến và tại địa phương, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân huy chương. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay cựu chiến binh Bùi Vỹ vinh dự được Đảng trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.