Bé Yuyun trong ảnh mặc váy xanh bị cưỡng hiếp và sát hại hồi tháng 4. Ảnh: BBC |
Theo CNN, thi thể trần truồng của bé Yuyun bị trói và xâm hại được tìm thấy trong một khu rừng trên đảo Sumatra. Điều tra cho thấy em bị một nhóm 14 thiếu niên cưỡng hiếp tập thể hồi tháng 4. Bảy tên đã bị kết án tù 10 năm.
"Lạm dụng tình dục trẻ em, như tôi đã nói, là một tội cực kỳ nghiêm trọng", Tổng thống Joko Widodo tuyên bố. "Chúng tôi hy vọng luật mới sẽ răn đe kẻ phạm tội và ngăn chặn nạn bạo hành tình dục trẻ em".
Trước đó, bản án tối đa cho tội hãm hiếp người lớn và trẻ em là 14 năm tù. Tiêm thuốc triệt dâm là dùng thuốc làm giảm ham muốn tình dục hoặc hoạt động tình dục. Nó được áp dụng tại Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Czech và một vài bang tại Mỹ, Australia.
Luật mới có hiệu lực ngay lập tức. Tuy nhiên, quốc hội Indonesia cũng có quyền xóa bỏ hay sửa đổi.
Theo Tổng thống Widodo, luật mới nhằm giải quyết sự gia tăng đáng kể các vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong thời gian gần đây, nhưng ông không công bố số liệu cụ thể.
Tổng thống Indonesia hy vọng luật mới sẽ ngăn chặn các vụ bạo hành tình dục phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Twitter |
Sau vụ hãm hiếp và sát hại bé Yuyun, hàng chục nghìn người sử dụng mạng Internet phẫn nộ đã mở chiến dịch truyền thông xã hội, thảo luận về thói đổ lỗi cho nạn nhân, thói gia trưởng của đàn ông cùng sự thống trị của nam giới ở Indonesia.
"Hiếp dâm không phải là ham muốn. Đó là sự lạm dụng quyền lực. Chúng ta không thể để nó tiếp tục xảy ra", Nisa Rizkiah, một người dùng Twitter viết.
"Chừng nào đàn ông và đàn bà không được dạy về sự tôn trọng, thì hãm hiếp vẫn sẽ tiếp tục xảy ra nhằm thể hiện quyền khống chế cơ thể phụ nữ", một người khác viết. "Hãy dạy bọn con trai đừng đi hãm hiếp, chứ đừng bảo con gái chớ mặc váy".
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở ngoài dinh tổng thống tại Jakarta hồi đầu tháng 5, kêu gọi chính phủ hành động ngay để chấm dứt nạn bạo hành phụ nữ ở Indonesia, theo BBC.
Biểu tình diễn ra ở Jakarta yêu cầu chính phủ ngăn chặn nạn bạo hành tình dục phụ nữ và trẻ em. Ảnh: BBC |
Theo Sophia Hage, giám đốc chiến dịch của Lentera, một tổ chức bảo trợ nạn nhân bị bạo hành tình dục, người bị tấn công và lạm dụng tình dục ở Indonesia thường bị cộng đồng kỳ thị.
"Người ta đổ lỗi cho nạn nhân, gia đình và bạn bè nạn nhân, chứ không chú tâm đến hình phạt cho kẻ phạm tội". Kết quả là nhiều nạn nhân không dám trình báo cảnh sát.