Cưỡng đoạt tiền hoả táng, Đường “Nhuệ” bị đề nghị mức án 15 - 16 năm tù

GD&TĐ - Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Đường mức án 15 - 16 năm tù.

Chiều 18/11, phiên tòa xét xử vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", 50 tuổi) cùng 5 đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản bước vào phần tranh luận với phần luận tội của đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình.

Công bố bản luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình đánh giá lời khai chối tội của vợ chồng Đường "Nhuệ" không có căn cứ. Vị đại diện Viện kiểm sát nhận định Đường cùng vợ là Nguyễn Thị Dương và con nuôi tên Bùi Mạnh Tiến đã không thành khẩn khai báo, do đó không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Các bị cáo còn lại đã thành khẩn khai báo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điểm s, Khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Đường Đường 15 - 16 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Cùng về tội danh này, các bị cáo Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy bị đề nghị mức án 13 - 14 năm tù, các bị cáo Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến bị đề nghị 12 - 13 năm tù, bị cáo Quách Việt Cường bị đề nghị 8 - 9 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) bị đề nghị 6 -7 năm tù.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ xác định vợ chồng bị cáo Đường "Nhuệ" cùng năm đàn em đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản của các cơ sở dịch vụ tang lễ với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: Báo Giao Thông
Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: Báo Giao Thông 

Về phần dân sự, Viện kiểm sát đề nghị các bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền chiếm đoạt được là gần 2,5 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Thị Dương đã xin khắc phục toàn bộ thiệt hại, bồi thường cho các bị hại số tiền này ngay tại phiên tòa, đồng thời nhận tội và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, bị cáo Dương không thừa nhận hành vi phạm tội và khai ký văn bản liên quan tới Hiệp hội Tang lễ tỉnh Thái Bình nhưng không đọc nội dung mà chỉ ký bởi tin tưởng chồng và làm việc đó để tạo điều kiện cho chồng kinh doanh, làm ăn với người khác.

Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Dương thừa nhận đã vi phạm pháp luật song bác bỏ quan điểm luận tội cho rằng hành vi của bản thân là cưỡng đoạt tài sản.

Còn bị cáo Nguyễn Xuân Đường cho rằng bản thân mình tham gia lĩnh vực dịch vụ tang lễ vì được các cơ sở tang lễ tha thiết đề nghị làm Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình để làm ăn yên ổn, bảo vệ họ. Lời khai của Đường thể hiện do bị cáo thấy thương cảm cho các cơ sở tang lễ tại Thái Bình bị “đì” nên đã nhận lời giúp.

Về số tiền các cơ sở dịch vụ tang lễ đóng 500.000 đồng/ca, Đường cho rằng số tiền thu được được dùng vào việc duy trì hoạt động của Hiệp hội, trong đó có việc tổ chức ăn uống liên hoan mỗi tháng 1-2 lần, thăm hỏi thành viên bị ốm đau. Đường cho rằng các chủ dịch vụ tự nguyện nộp tiền chứ không phải bị đe dọa, o ép.

Tuy nhiên, một bị hại có mặt tại phiên toàn đã cho rằng Đường đã uy hiếp, chửi bà khiến bà rất sợ. Các cơ sở dịch vụ tang lễ cũng đều biết, nếu để Đường độc quyền dịch vụ tang lễ đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình thì họ sẽ bị o ép. Vì vậy, các cơ sở muốn bà sang Nam Định ký trực tiếp với cơ sở hỏa táng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.