“Từ bụng ta suy ra bụng người”
Sinh ngày 14/2/1982, Adam Gidwitz là nhà văn viết truyện thiếu nhi được yêu thích trong thế giới tiếng Anh. Tác phẩm đầu tay của anh, A Tale Dark and Grimm (2010) nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Hai cuốn sách tiếp theo của Gidwitz, In a Glass Grimmly (2012) và The Grimm Conclusion (2012) cũng rất được chào đón.
Anh được làng văn Mỹ trao tặng Huy chương Newbery (huy chương dành cho tác giả có những đóng góp nổi bật cho văn học thiếu nhi) với cuốn sách có tựa đề The Inquisitor’s Tale: Or, The Three Magical Children and Their Holy Dog (2016) của mình.
Thuở còn nhỏ, Gidwitz đặc biệt chết mê chết mệt tác phẩm The Carrot Seed (1945) của Ruth Krauss (Mỹ).
Câu chuyện kể về một cậu bé trồng một hạt cà rốt xuống đất. Mỗi ngày, cậu bé đều đặn tưới nước nhưng không hiểu sao hạt cà rốt vẫn chưa chịu nảy mầm. Mẹ cậu bé lắc đầu nói rằng “Mẹ nghĩ là nó sẽ không mọc lên đâu”.
Cha cậu bé cũng đồng tình, “Bố cũng nghĩ là nó sẽ không mọc”. Đến cả anh trai cậu bé cũng vậy, “Nó sẽ không bao giờ nảy mầm”. Cậu bé vẫn chăm chỉ tưới nước và nhổ cỏ dại. Bất chợt một ngày, hạt cà rốt thật sự tách vỏ, nhanh chóng phát triển thành một cây cà rốt khổng lồ.
Trưởng thành rồi nhìn lại, Gidwitz thừa nhận câu chuyện về hạt cà rốt nọ chẳng có gì đặc biệt. Nó cũng không hấp dẫn hay ẩn giấu nhiều lớp đến mức phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Thế nhưng, tuổi thơ Gidwitz đã lật đến nát cả cuốn sách. Điều gì khiến anh không thể rời khỏi tác phẩm hết sức đơn giản và tường minh này?
Adam Gidwitz và tác phẩm giành Huy chương Newbery |
Khi Gidwitz sắp lên 5 tuổi, mẹ cậu sinh em bé. Rất nhanh, Gidwitz nhận thấy mình bị đẩy xuống vị trí số hai. Làm anh khó lắm. Không phải tự nhiên mà các bậc sinh thành phải dặn dò “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Trong nhận thức ngây ngô của cậu bé mới gần 5 tuổi, Gidwitz thấy cậu em trai mới chào đời không khác gì “vua” trong nhà. Mọi sự quan tâm, thương mến của cha mẹ dường như dồn hết vào em nhỏ. Gidwitz cảm thấy như bị bỏ rơi. Nhưng nếu để bị mọi người phát hiện rằng mình bị tổn thương bởi sự ghen tị thì nhục nhã quá. Thế nên Gidwitz ra vẻ cứng cỏi, tự lập.
Sự kiên trì của cậu bé trong câu chuyện The Carrot Seed cũng giống như nỗ lực tự vệ của Gidwitz. Và điều tuyệt vời hơn cả là cậu bé trong truyện ấy đã chiến thắng. Khi hạt cà rốt của cậu cuối cùng cũng nảy mầm, nó lớn lên vùn vụt, trở thành một củ cà rốt to nặng đến nỗi cậu không thể vác nổi, phải bỏ lên xe cút kít mà đẩy đi.
Cái thú vị của The Carrot Seed là gia đình cậu bé đã không có mặt để chứng kiến phút huy hoàng của cậu. Điều này cũng có nghĩa cậu bé của truyện không cần đến sự công nhận từ người khác.
Cậu tự nỗ lực và tự thỏa mãn. Rõ ràng, với biểu hiện này, cậu còn “người lớn” hơn cả những người lớn thật sự. Làm sao mà Gidwitz, cậu bé thấy mình bị cả nhà cho ra rìa, lại có thể không yêu thích Hạt cà rốt cho nổi.
Và một câu chuyện thực tế khác
Gidwitz có một bạn thân và tác phẩm yêu thích ngày còn bé của anh ta là The Runaway Bunny (1942) của Margaret Wise Brown (Mỹ). Câu chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một chú thỏ con muốn bỏ nhà đi bụi. Dù vậy, trước khi bỏ đi, cậu lại tạm biệt thỏ mẹ, nói rõ rằng “Mẹ ơi, con đi đây”. Thỏ mẹ không cản trở mà chỉ cười, “Nếu con bỏ đi, mẹ cũng sẽ đuổi bắt được con ngay thôi”.
Đúng như những gì thỏ mẹ đã cảnh cáo trước, dù thỏ con có trốn giỏi thế nào, cậu vẫn bị phát hiện. Tức quá, thỏ con bèn cáu “Nếu mẹ cứ đuổi theo con mãi như thế, con sẽ biến thành một con cá hồi lẫn trong dòng thác cá hồi và bơi xa mẹ luôn”.
“Nếu con biến thành một con cá hồi trong dòng thác cá hồi”, thỏ mẹ vẫn cười, “Vậy thì mẹ sẽ biến thành người đánh cá và bắt được con”.
“Thế thì con sẽ biến thành một cậu bé và chạy vào ngôi nhà kia”, thỏ con bí thế nói càn. “Nếu con biến thành một cậu bé và chạy vào ngôi nhà kia”, thỏ mẹ âu yếm. “Thế thì mẹ đành phải biến thành một người mẹ để tóm lấy và ôm chặt con trong vòng tay mình vậy”. Đến mức này thì thỏ con chào thua, “Ôi dào ôi... thế thì con thà cứ làm thỏ con và ở lại nơi này với mẹ”.
Thực tế thì The Runaway Bunny chỉ đơn thuần là câu chuyện về sự nhõng nhẽo của con nít con nôi. Ai chẳng biết chú thỏ con này không hề có ý định bỏ nhà đi bụi mà chỉ muốn mè nheo với mẹ. Nhưng bạn sẽ phải phá ra cười nếu biết tại sao bằng hữu của Gidwitz lại vô cùng yêu thích tác phẩm thiếu nhi này. Lúc còn nhỏ, anh ta thật sự là một đứa trẻ ngỗ nghịch, quậy phá.
Hầu hết các bé gái đều nghĩ mình ít nhiều giống Cô bé Lọ Lem. |
Còn bạn thì yêu thích tác phẩm nào?
Nếu phải chọn ra chỉ một truyện thiếu nhi được các bé gái yêu thích nhất, nó chắc chắn sẽ là Cô bé Lọ Lem. Từ Đức, Pháp đến Ai Cập, Trung Quốc đều tồn tại những câu chuyện na ná. Nếu bạn thắc mắc Việt Nam có như thế không thì hãy đọc lại truyện cổ tích Tấm và Cám. Chắc cũng chẳng khó khăn gì để bạn nhận ra những nét tương đồng giữa Tấm và Lọ Lem.
Mọi phiên bản kiểu Cô bé Lọ Lem đều có nhân vật chính là cô bé mồ côi mẹ, nghèo, không được cha đẻ quan tâm, bị dì ghẻ cũng như chị em khác mẹ hà hiếp. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của bà tiên, ông bụt mà cô bé rách rưới đột ngột biến thành thiếu nữ đẹp nhất trần đời.
Nếu bạn là con gái, hãy thử nhìn lại tuổi thơ mà xem, có phải bạn cũng đôi lần thấy mình bị coi nhẹ? Ví dụ như thấy cha mẹ không quan tâm đến mình này. Hoặc là thấy mình bị anh chị em chèn ép, bắt nạt... Có phải ít nhiều gì bạn cũng từng thấy mình thật khốn khổ hoặc quá khốn khổ hệt như Lọ Lem?
Các bé trai thì thấy gần gũi với cậu bé Harry. |
Đừng xấu hổ, vì ai cũng từng có những giây phút yếu lòng như thế. Không chỉ tâm hồn mà cả cơ thể của tuổi thơ cũng rất yếu ớt. Cái yếu ớt về thể chất khiến các bé thấy mọi thứ sao quá lớn mạnh, vượt tầm tay. Nên trẻ thơ mới khao khát sự trưởng thành. Nếu lớn hơn, khỏe hơn, chín chắn hơn, chúng đã có thể thể hiện tốt hơn, chứng minh cho mọi người thấy giá trị của mình.
Nếu bạn là con trai, có lẽ sẽ không mấy hứng thú với Cô bé Lọ Lem mà yêu thích Harry Potter hay Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao). Nhưng vẫn có điểm chung giữa Lọ Lem và Harry, đó là đều bị bỏ rơi, ghẻ lạnh, đối xử bất công, tàn bạo.
Phải khẳng định rằng JK Rowling (Anh) đã xây dựng một “Lọ Lem phiên bản nam” cực kỳ hoàn hảo.