Thủ lĩnh của nhóm phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) tuyên bố mục tiêu của lực lượng này là lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Các tay súng nổi dậy giờ đây chỉ cách trung tâm thủ đô Damascus khoảng 10 km.
Theo Reuters, đứng trước nguy cơ sụp đổ, chính quyền Tổng thống Assad chỉ còn cách đồng minh Nga để chặn đà tiến công của phiến quân.
Nhưng Ruslan Suleimanov, nhà nghiên cứu người Nga tại Đại học ADA ở thủ đô Baku, Azerbaijan cho rằng: "Nga hiện tại không còn ở vị thế có thể hậu thuẫn chính quyền Assad như từng làm cách đây 10 năm".
Học giả này cho biết, mặc dù Nga vẫn tiến hành các cuộc không kích nhằm hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria nhưng điều này là không đủ để ngăn chặn đà tiến của HTS.
Quân đội chính phủ Syria đã phải trải qua 4 năm chiến đấu với phiến quân để giành giật Aleppo và chính quân đội Nga đã giúp Tổng thống Assad tái kiểm soát thành phố này vào cuối năm 2016.
Suleimanov tình hình hiện nay đã khác so với trận chiến Aleppo năm xưa là Nga hiện nay đang phải bận tâm nhiều hơn tới cuộc xung đột Ukraine. "Rõ ràng, hiện diện của Nga ở Syria bắt đầu giảm dần từ đó", học giả cho biết.
Ngoài ra, vào thời điểm đó, Nga cũng điều động một lượng nhỏ lính đánh thuê, như Wagner, đến hỗ trợ chính quyền Syria. Họ tham gia vào các trận chiến trên bộ thường xuyên hơn so với binh sĩ chính quy Nga.
Nhưng ngày nay, các tay súng này hầu như vắng bóng ở Syria do họ đã được điều động đến Ukraine.
Nhà phân tích Mỹ Michael Kofman và Matthew Rojansky nói: "Chiến lược của Nga là hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria, dân quân Iran và Shiite chiến đấu và lực lượng Nga yểm trợ hỏa lực từ trên không, chứ không phải ngược lại".
Ngoài ra, các lực lượng vũ trang đồng minh của Iran như Hezbollah hiện bị suy yếu đáng kể do cuộc xung đột với Israel. Hezbollah là lực lượng trên bộ chủ lực hỗ trợ quân đội chính phủ Syria trong hơn 10 năm nội chiến.
Lực lượng HTS và các nhóm đồng minh dường như nhận ra đây là thời cơ để phát động chiến dịch tiến công mang tính định đoạt. Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga có thể lấp đầy khoảng trống trong lực lượng mặt đất Syria hay không.
Theo Pavel Luzin, chuyên gia về lực lượng vũ trang Nga: "Sẽ rất khó để tăng viện trợ cho Tổng thống Assad mà không làm suy yếu quân đội Nga ở Ukraine".
"Dù chiến dịch quân sự ở Ukraine vẫn là ưu tiên của Nga, nhưng Tổng thống Putin khẳng định chắc chắn sẽ không bỏ rơi chính quyền Assad", Suleimanov lưu ý.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 7 tháng 12 tuyên bố Moskva sẽ chống lại HTS bằng mọi biện pháp khả dĩ. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ chính quyền hợp pháp ở Syria, đồng thời thúc đẩy việc nối lại đàm phán với phe đối lập", ông Lavrov nói.
Nga có hai căn cứ quan trọng đang bị đe dọa là căn cứ hải quân ở Tartus đảm bảo khả năng tiếp cận Địa Trung Hải và căn cứ không quân Hmeimim giúp quân đội Nga triển khai trên toàn bộ khu vực.
Giới chuyên gia cho rằng, Syria đang đóng vai trò quan trọng đối với Điện Kremlin trong việc duy trì hình ảnh một siêu cường.
Sau nỗ lực can thiệp thất bại của phương Tây vào Iraq và Libya, Nga muốn thể hiện hình ảnh là nhân tố ổn định trong khu vực và đã thành công trong việc khẳng định mình giống như một trụ cột ở Trung Đông.
Những cuộc không kích của Nga tại Syria đang được đẩy mạnh, nhắm vào những mũi tấn công của lực lượng phiến quân HTS. Tướng Alexander Chaiko, người từng chỉ huy quân đội Nga ở Syria, cũng đã được điều động trở lại Damascus nhằm giúp ổn định tình hình.
Mặc dù vậy, Suleimanov cho rằng: "Nếu muốn bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad, Nga sẽ phải san sẻ bớt nguồn lực tới Trung Đông và đây chắc chắn không phải quyết định dễ dàng".