Bài viết “Nghĩa tình dưới chân đèo Sa Mù” được thầy Nguyễn Văn Tý - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) gửi dự thi.
Chia sẻ về tác phẩm của mình, thầy Nguyễn Văn Tý cho biết, cuộc thi được tổ chức nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nên khi tiếp nhận thông tin, thầy đã suy nghĩ đề tài và quyết định gửi tác phẩm tham dự.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tý giữa sân trường đầy rẫy bùn đất sau trận lũ quét năm 2020. |
Đối với thầy giáo Nguyễn Văn Tý cũng như nhiều người dân xã biên giới Hướng Việt (huyện Hướng Hóa), trận lũ quét năm 2020 là sự kiện khó quên và ngôi trường thầy công tác đã gánh chịu hậu quả rất nặng nề. Sau khi trận lũ quét qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đã “đồng cam cộng khổ”, cùng nhau vượt qua khó khăn để khắc phục hậu quả, đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường.
Trong bài viết dự thi, thầy Tý nhắc đến hậu quả khủng khiếp do mưa lũ gây ra: “Tháng 10/2020, dấu mốc không bao giờ quên và một ký ức kinh hoàng mà có lẽ lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm nhận được. Công sức thầy và trò bao năm bị vùi lấp chỉ trong một đêm, hậu quả của đợt mưa kéo dài khủng khiếp. Và, chính từ trong khó khăn đó mới thấy được sự nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ giáo viên của trường TH&THCS Hướng Việt, điều mà làm cho tôi từ chỗ day dứt, cảm phục, ngưỡng mộ, tự hào và trở thành món nợ ân tình về đội ngũ của mình”.
Thầy Tý cho rằng, bài viết như là tâm tình, tình cảm ân tình của bản thân dành cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường.
Do bị ảnh hưởng nặng nề khiến công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại Trường TH&THCS Hướng Việt kéo dài hơn 1 tháng mới dạy học trở lai. |
Chia sẻ về cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, thầy Nguyễn Văn Tý cho biết: “Lần đầu tham dự cuộc thi này tôi cảm thấy rất ấn tượng vì cuộc thi thực sự có ý nghĩa. Không chỉ đội ngũ giáo viên mà mỗi chúng ta ai cũng từng là học trò, từng tiếp xúc với nhiều thầy cô và bạn bè, được học dưới những mái trường thân yêu nên ai cũng có những kỷ niệm.
Do đó, cuộc thi đã khơi gợi được suy nghĩ của mỗi người về thầy cô, về những năm tháng học tập dưới mái trường nên càng ý nghĩa. Cuộc thi đã có sự lan tỏa sâu rộng, thu hút đội ngũ giáo viên và học sinh tham gia rất đông, với chủ đề phù hợp. Mong rằng cuộc thi sẽ được duy trì và lan tỏa hơn nữa đến xã hội”.
Đã 7 năm thầy Nguyễn Văn Tý đến công tác tại Trường TH&THCS Hướng Việt. Đây là địa bàn xã biên giới thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, với điều kiện còn nhiều khó khăn. Ngày nhận nhiệm vụ làm Hiệu trưởng ngôi trường vùng biên này, thầy ám ảnh bởi những ánh mắt trong veo, những khuôn mặt lấm lem và cả những khó khăn chồng chất mà trước đó thầy không bao giờ hình dung được.
Ngôi trường nằm dưới chân đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. |
Đặc biệt, thầy Nguyễn Văn Tý đã có quá trình công tác, gắn bó hơn 20 năm đối với giáo dục tại huyện Hướng Hóa. Thầy Tý chia sẻ: Công tác ở miền núi, học sinh chủ yếu là con em đồng bào Vân Kiều, nên đối mặt với nhiều khó khăn về trường lớp, thiếu thốn về CSVC, đội ngũ giáo viên phải công tác xa nhà. Học sinh người Vân Kiều, điều kiện kinh tế - xã hội... ảnh hưởng đến công tác giáo dục rất lớn. Trong điều kiện ấy, đội ngũ cán bộ, giáo viên phải khắc phục, vượt qua mọi khó khăn mới hoàn thành nhiệm vụ.
"Khó khăn nhất là công tác vận động học sinh đến lớp, do các em đi học chưa chuyên cần. Trong kế hoạch, chiến lược nhà trường đặt ra là việc duy trì sĩ số, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh nghỉ học. Tiếp đến mới nâng cao chất lượng, tiếp cận dần với những vùng thuận lợi", thầy Tý cho hay.