Cuộc “tập dượt” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Cuộc “tập dượt” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi này ngoài mục tiêu tuyển sinh đầu cấp còn là cuộc tập dượt, bài học kinh nghiệm để tổ chức thi tốt nghiệp THPT tốt hơn.

Bài học

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh thời điểm thi phải lùi lại, việc "giảm tải", giảm áp lực cho học sinh đều được các địa phương hướng tới, đồng thời công tác bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc cũng được đặt lên hàng đầu. 

Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị chu đáo cả nhân lực và vật lực, tăng cường giám sát các khâu của kỳ thi, tinh giản chương trình học, giảm số bài thi, công bố đề thi tham khảo. Nhiều địa phương cũng bỏ hình thức tập trung khai mạc kỳ thi vào trước môn thi đầu tiên để học sinh không phải đến điểm thi quá sớm. Các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 cũng được chú trọng tại các điểm thi. Về cơ bản, việc tổ chức thi được địa phương triển khai bàn bản, nghiêm túc, ít xảy ra sự cố.

Là địa phương có tổng thí sinh dự thi lên tới gần 89.000 em, việc áp dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT trong kỳ thi vào lớp 10 là điểm mới năm nay của Hà Nội. Theo đó, 100% các phòng chứa đề thi, bài thi đều có camera giám sát, ghi hình 24 giờ/ngày. Lực lượng thanh tra giám sát được tăng cường, toàn thành phố có gần 500 cán bộ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi, ngoài ra còn có 14 đoàn thanh tra lưu động đi kiểm tra ngoài giờ hành chính. 

Nhân sự tham gia kỳ thi được lựa chọn, tập huấn kỹ lưỡng. Cơ sở vật chất được chuẩn bị với các điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong thời tiết nắng nóng… Cùng với ngành Giáo dục, nhiều lực lượng được huy động để tham gia vào kỳ thi, như công an, nhân viên y tế, ngành điện và gần 10.000 sinh viên tình nguyện...

Quy mô thí sinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh năm nay có hơn 82.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Để tổ chức kỳ thi này, toàn thành phố huy động 11.446 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi. 135 trường trung học chọn làm điểm thi được chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn. Đây là năm đầu tiên, thí sinh ở TP Hồ Chí Minh được dành riêng một buổi để làm thủ tục, nhận phòng thi.

Tại buổi họp báo tổng kết kỳ thi, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhận định kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không có thí sinh hay giám thị nào vi phạm.

Với một số địa phương, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay còn được coi là cuộc "tập dượt" cho kỳ thi tốt nghiệp THPT; bởi vậy quy chế thi tốt nghiệp THPT được áp dụng luôn cho kỳ thi này. Do đó, tổng kết kinh nghiệm sau kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sẽ là bài học kinh nghiệm tốt để tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra; ví dụ việc làm tốt nhân sự dự phòng (từ việc 28 giám thị vắng mặt tại Hà Nội), lưu ý in giấy báo dự thi (từ sơ suất thông báo địa điểm thi chuyên tiếng Anh vào Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội), bảo quản đề thi (từ câu chuyện đề thi tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh).

Cuộc “tập dượt” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 1
Thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập tại Đà Nẵng. 

Đề thi: Nơi "an toàn", nơi sáng tạo

Nhìn chung, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các tỉnh thành năm nay được đánh giá bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng và chương trình đã được tinh giản; không có câu hỏi khó đánh đố học sinh, nhưng vẫn bảo đảm tính phân loại. Một số đề thi, đặc biệt đề thi chuyên được dư luận đánh giá cao bởi tính mới, cách đặt vấn đề thú vị, sự sáng tạo.

Tại Hà Nội, đề thi được đánh giá là khá "an toàn". Như môn Ngữ văn, đề thi giữ cấu trúc quen thuộc như năm trước với 2 phần. Phần 1 - đọc hiểu (ngữ liệu là văn bản Viếng lăng Bác); phần 2 - đưa đoạn trích trong sách Ngữ văn 9 và yêu cầu nghị luận về mối quan hệ giữa cách ứng xử và nhân cách của con người.

Trong khi đó, lấy "Lắng nghe" là chủ đề nhất quán, bao trùm, đề thi Ngữ văn tại TP Hồ Chí Minh được dư luận đánh giá là khá "lạ" và lần đầu tiên được thể hiện dưới hình thức này. Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Trường THPT Đinh Thiện Lý (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Không chỉ mới lạ, đề thi khoa học, logic và bám sát tính thời sự; vừa bảo đảm phần hỏi về kiến thức tác phẩm, kiểm tra kĩ năng đọc hiểu, lập luận, vừa tạo độ mở cho học sinh muốn sáng tạo; nói không với kiểu học tủ, văn mẫu.

Đề thi Văn ở Đà Nẵng năm nay cũng được cho là hay, vừa sức nhưng đồng thời vẫn phân loại được thí sinh. Nhận định của cô Nguyễn Thị Diệu Trang, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), câu lệnh của đề rất thông minh, tạo điều kiện cho học sinh đưa ra được quan điểm của bản thân, có cơ hội trình bày suy nghĩ, ý kiến của mình.

Đa số đề thi tại các địa phương được cho là sẽ có phổ điểm rộng, phân hóa tốt học sinh; nhưng một số ít đề theo đánh giá của giáo viên còn khó, nhiều câu hỏi vận dụng. Đơn cử, đề tiếng Anh tại Nghệ An được cô Nguyễn Thị Thanh Thu, Trường THCS Lê Mao (TP Vinh) nhận định khó so với đề thi minh họa của sở GD&ĐT công bố trước đó; lượng từ trong mỗi câu hỏi nhiều, ảnh hưởng đến tốc độ đọc hiểu và đưa ra đáp án của học sinh. Học sinh đại trà và các vùng học chương trình tiếng Anh cũ, chưa dùng sách thí điểm sẽ gặp khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.