Cuộc sống viên mãn của nàng Thị Nở kinh điển màn ảnh Việt

GD&TĐ - Khán giả yêu thích điện ảnh Việt hẳn vẫn nhớ vai Thị Nở do nữ nghệ sĩ Đức Lưu thủ vai trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy' của đạo diễn Phạm Văn Khoa.

NSƯT Đức Lưu trong chuyến đi từ thiện. Ảnh: NVCC.
NSƯT Đức Lưu trong chuyến đi từ thiện. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng có điều không phải ai cũng biết là trong phim xấu xí, bất hạnh bao nhiêu thì ngoài đời “Thị Nở” lại xinh đẹp và có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc bấy nhiêu.

Người nghệ sĩ tài năng

NSƯT Đức Lưu hồi trẻ. Ảnh: INT.

NSƯT Đức Lưu hồi trẻ. Ảnh: INT.

Quê gốc ở huyện Ba Vì (Hà Nội) nhưng cô bé Đức Lưu đã trải qua những ngày ấu thơ cùng gia đình tại huyện Nho Quan (Ninh Bình) vì có cha làm Chánh án Tòa án Nhân dân Liên khu 3 (gồm 3 tỉnh Nam Hà, Nam Định và Ninh Bình). Khi Thủ đô được giải phóng, bà xin vào bộ đội công binh.

Thời gian đầu, bà được phân công nhiệm vụ nấu cơm, nhặt rau, khâu vá quần áo cho bộ đội. Thế rồi thấy bà có năng khiếu văn nghệ, một đồng đội tên Tảo, vốn là người Bắc Ninh giỏi hát đã dạy cho bà và mấy cô nữ trong đơn vị những bài dân ca quan họ, chèo…

Sau đó, họ chính là “hạt nhân” của Đoàn Văn công Trung đoàn 151 và sau này là Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội).

Từ một người có năng khiếu ca hát, Đức Lưu được cử đi học múa từ chuyên gia Triều Tiên. Khi ấy, những vở như “Năm anh chàng không may” của Liên Xô (cũ) được bà đem đi biểu diễn ở khắp các đơn vị bộ đội và quần chúng nhân dân.

Để phát huy hơn nữa năng khiếu nghệ thuật của Đức Lưu, cấp trên cử bà đi học diễn xuất từ chuyên gia Liên Xô (cũ) và là một trong những lớp diễn viên đầu tiên tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội).

Sau khi ra trường với tấm bằng xuất sắc, Đức Lưu được biên chế làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Được đào tạo chính quy lại có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, cứ tưởng từ đây, con đường nghệ thuật sẽ thênh thang, rộng mở với Đức Lưu.

Thế nhưng, cuộc đời làm nghệ thuật của bà chỉ dừng lại ở hai vai diễn cách nhau 22 năm, đó là vai Mận trong phim “Cô gái công trường” - bộ phim thứ 3 của lịch sử điện ảnh Việt Nam và vai Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa.

Có thể nói, vai diễn đẹp đã khó chọn người, vai diễn xấu xí còn khó hơn vì Thị Nở không những xấu mà còn xấu thậm tệ, nhưng lại xấu đáng yêu, xấu hóm hỉnh. Bởi thế đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đi tìm ngót một năm mà không được ai, từ các nghệ sĩ thành danh sau này như: Trà Giang, Thụy Vân, Thu Hiền, Tố Uyên... đều đã thử vai nhưng không đạt.

Đến lượt Đức Lưu là người thứ 7, đạo diễn không yêu cầu bà thử mà đến gặp với một đề nghị: “Anh mời em đóng một vai nhưng chỉ sợ em không có lòng dũng cảm để nhận”. Đức Lưu đáp lại: “Em có thừa lòng dũng cảm nhưng chỉ sợ em không có tài năng”.

Và để có một Thị Nở với khuôn mặt xấu xí, bà đã được đạo diễn đưa đến Bệnh viện Việt Đức để “thửa” riêng một bộ răng đen hạt nhót. Còn khi diễn thì mũi phải đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở trên đầu, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt. Nói chung là sau khi hóa trang bước ra, cả đoàn làm phim đều ồ lên: “Thị Nở đây rồi!”.

Nghệ sĩ Đức Lưu cho rằng, điều bà có được từ Thị Nở đó là được dân yêu, có thương hiệu và vai diễn đi vào từ điển của điện ảnh nước nhà. Sau khi “Làng Vũ Đại ngày ấy” chiếu rộng rãi, đi ra đường bà được khen ngợi, mọi người quây vào chỉ mong được sờ vào tay nghệ sĩ họ yêu thích, mến mộ. Thậm chí, cứ khi bà đi chợ là mọi người cho thịt, rau vào giỏ bảo: “Bà ăn đi”, “Chị ăn đi”.

Lý giải sự thành công của vai diễn này, nghệ sĩ Đức Lưu cho biết, từ hồi còn là sinh viên, bà đã được nghe GS Hoàng Như Mai bình giảng về tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao.

Từ đó, nhân vật Thị Nở đã ngấm sâu vào con người bà với sự cảm thông, chia sẻ với người mang tất cả bất hạnh mà một phụ nữ trên đời phải gánh chịu cũng như sự thấu hiểu mối tình nhân văn của Thị Nở - Chí Phèo giữa bối cảnh nông thôn miền Bắc Việt Nam những năm 1930. Hơn nữa, muốn diễn đạt được như vậy, người diễn viên phải có vốn sống dày dặn, tích lũy, trải nghiệm qua nhiều năm tháng.

Và cũng vì “đóng đinh” trong lòng khán giả với vai Thị Nở mà bà đã quyết định bỏ nghiệp diễn và chuyển về Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội sau khi bộ phim được công chiếu không lâu.

Bởi theo lý giải của bà thì ngày ấy bà là người của công chúng nên vận động, tuyên truyền nhân dân làm gì cũng dễ. Hơn nữa, khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, để vượt qua “cái bóng” của chính mình là điều thật không dễ dàng.

NSƯT Đức Lưu và NSƯT Bùi Cường (vai Chí Phèo).

NSƯT Đức Lưu và NSƯT Bùi Cường (vai Chí Phèo).

Một tình yêu đẹp

Không chỉ biết đến là một nghệ sĩ tài năng, Đức Lưu còn được biết đến khi có một cuộc tình đẹp và cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm êm với người chồng -

Giáo sư Trần Hạ Phương, nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông bà quen biết và nảy sinh tình cảm khi bà học thêm tiếng Anh buổi tối ở trường đại học nơi ông công tác.

Nhớ về mối tình đẹp đẽ ấy, bà kể: “Một lần, giữa sân trường, ông ấy mạnh dạn hỏi tôi: “Xin phép được đưa chị về nhà!”. Vậy là hai người vừa trò chuyện, vừa đi dạo hết qua Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi qua Ký túc xá Cao Bá Quát nơi tôi ở. Buổi tối thứ 7, mà 4 lần dạo quanh Lò Đúc - nơi ông ở đến Cao Bá Quát rồi ngược lại, cứ người đưa về, người tiễn ngập ngừng giây phút chẳng muốn rời xa…”.

Sau một năm tìm hiểu, cuối cùng, họ cũng quyết định đến hôn nhân và đám cưới diễn ra đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1962) tại căn nhà đi mượn ở số 57 Mã Mây do Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, khi ấy là Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội làm chủ hôn.

Bạn bè đến chung vui, mỗi người góp một câu chuyện vui vẻ. Đám cưới diễn ra suốt 3 ngày liền với thuốc lá Cẩm Thủy, kẹo bột, hạt dưa, bánh xốp… được tích từ 6 tháng tem phiếu. Kết quả của mối tình ấy, ông bà đã hạ sinh được hai cậu con trai và hiện nay họ đều đã thành đạt trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Năm 2012, sau 5 năm bị liệt bởi căn bệnh nhồi máu não, ông đã qua đời ở tuổi 82. Sống với nhau trọn vẹn 50 năm, tình cảm vợ chồng chẳng bao giờ có cãi vã, ông luôn bên cạnh động viên bà.

Không chỉ là người đàn ông quan trọng trong cuộc đời NSƯT Đức Lưu, Giáo sư Trần Hạ Phương còn là đức lang quân lãng mạn luôn ủng hộ, cố vấn và giúp vợ thành công trong những vai diễn.

Đáp lại ân tình của người chồng quá cố, bà vừa hoàn thành xong 3 tập bộ phim tài liệu về vùng quê của chồng - huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) theo tâm nguyện trước khi mất của ông.

Hăng hái làm từ thiện

NSƯT Đức Lưu (bìa trái) trong chuyến đi từ thiện.

NSƯT Đức Lưu (bìa trái) trong chuyến đi từ thiện.

Hiện nay, với số tiền lương hưu ít ỏi, nghệ sĩ Đức Lưu vẫn âm thầm với hành trình làm từ thiện tại các bản làng xa xôi, vùng cao, vùng biên giới đặc biệt khó khăn trên cả nước.

“Bản thân tôi biết rằng nhu cầu sống của mình như thế nào là đủ, gạt bỏ những tham sân si ở đời và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Trong cuộc đời, tôi đã đi nhiều nơi, có cơ hội nhìn thấy sự thiếu thốn của những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Chính điều đó đã thôi thúc tôi cần phải hành động, chắp nối những nhịp cầu, mang đến những điều tốt đẹp cho họ. Ngày nào còn khỏe mạnh thì tôi sẽ cố gắng làm việc tốt cho xã hội ngày ấy”, nghệ sĩ Đức Lưu chia sẻ.

Trong những dịp rằm tháng Tám hay Đại lễ Vu Lan báo hiếu, bà lại kêu gọi nhiều nhà hảo tâm cùng tài trợ tiền, quà, bánh, hiện vật cho những trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số ở các vùng cao như Mù Cang Chải, Văn Chấn, Nghĩa Lộ hay đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh…

Hễ cứ ai nhắc đến việc phúc đức, thiện tâm là bà sẵn sàng xách túi lên đường. Giờ đây đã ở tuổi ngoài 84 (NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939) nhưng bà vẫn được trời phú cho sức khỏe, sự nhanh nhẹn, đặc biệt bà vẫn hăng hái ngược xuôi với hành trình từ thiện suốt nhiều năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ