Dải Ngân hà từng “nuốt” thiên hà lùn
Từ lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng Dải Ngân hà hình thành từ sự liên kết hai thiên hà. Tuy nhiên, họ chưa rõ điều đó xảy ra khi nào. Nhờ Kính thiên văn không gian Gaia, các nhà thiên văn học có thể quan sát gần hơn khoảng 1 triệu ngôi sao trong Dải Ngân hà.
Từ đó họ khẳng định hai thiên hà ban đầu có tuổi tương đương nhau, đồng thời họ cũng tìm thấy chứng cớ khẳng định va chạm 2 thiên hà này. Hóa ra, khoảng 10 tỷ năm trước, Dải Ngân hà đã va chạm với thiên hà lùn nhỏ hơn, gọi là Gaia-Enceladus. Hàng triệu năm sau đó, Dải Ngân hà “nuốt” dần thiên hà lùn. Phần còn lại của thiên hà lùn tạo thành quầng sáng của Dải Ngân hà ngày nay.
Vận chuyển đá xây Stonehenge nhờ…mỡ lợn
Các tảng cự thạch thuộc công trình kiến trúc cổ đại Stonehenge có thể được vận chuyển nhờ… mỡ lợn! Theo bà Lisa- Marie Shillito, nữ tiến sĩ khảo cổ học ở ĐH Newcastle (Mỹ), phân tích một số bình gốm cổ thời kỳ xây dựng Stonehenge cho thấy chúng có thể được sử dụng để hứng mỡ lợn rỏ xuống trong khi nướng trên bếp lửa. Mỡ lợn sau đó được dùng để bôi trơn trên đường vận chuyển những tảng cự thạch lớn.
Nhà khoa học Barney Harris ở Trường Cao đẳng London (Anh) đã thực hiện mô phỏng để khẳng định giả thuyết kéo cự thạch trượt trên mỡ lợn. Theo ông, khoảng 10 người có thể đẩy khối đá nặng 1 tấn trượt đi với vận tốc 1,6 km/h. Điều thú vị là “công nghệ” bôi trơn bằng mỡ lợn cũng được sử dụng ở Ai Cập cổ đại.
Con trăn lớn nhất Công viên Bò sát Australia
Vừa qua, trong khuôn khổ Ngày Rắn thế giới, Công viên Bò sát ở Australia đã tổ chức cuộc thi những con trăn lớn. Những con trăn thi về cân nặng và chiều dài. Cuộc thi diễn ra suôn sẻ. Khán giả được dịp chứng kiến những con trăn lớn nhất thế giới. Giải nhất thuộc về con trăn có tên là “Quái vật” với chiều dài 5,53 m và cân nặng 61 kg.