Thực hư dấu chân người tuyết
Quân đội Ấn Độ vừa khẳng định đã phát hiện dấu chân của người tuyết (kích thước khoảng 81x38 cm) ở gần Trạm dừng chân Makalu Base trên độ cao 5.700 m thuộc dãy Himalaya.
Trước đây cũng có tin đồn người tuyết xuất hiện ở Công viên quốc gia Makalu - Barun (Nepal). Tuy nhiên, việc phát hiện cái gọi là dấu chân người tuyết không phải là chứng cớ vững chắc khẳng định sự tồn tại của người tuyết, nhất là khi chỉ có dấu vết một bàn chân (không phải là hai bàn chân) để lại trên tuyết.
Hơn 143 triệu người sẽ phải di cư vì khí hậu
Trong vòng 3 thập kỷ nữa, những thay đổi khí hậu có thể buộc hơn 143 triệu người phải tìm kiếm nơi trú ngụ tại 3 khu vực đông dân nhất thế giới.
Hiện tại, con số nói trên mới chỉ là kết quả dựa trên các mô hình về dữ liệu thống kê nhân khẩu học, kinh tế - xã hội và khí hậu.
Di dân vì khí hậu có thể liên quan chủ yếu đến châu Phi hạ Sahara, châu Mỹ Latinh và Nam Á. Hàng chục triệu người có thể buộc phải di chuyển bởi vì nhiều khu vực trở thành nơi không thể sống được do các vấn đề liên quan đến khí hậu gia tăng, như thiếu nước, mực nước biển dâng hay giông bão. Cả 3 khu vực này sẽ có số dân chiếm hơn một nửa dân số các quốc gia đang phát triển.
Theo dõi rác thải nhựa từ quỹ đạo
Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Hàng hải Plymouth (Anh) đang phát triển công nghệ theo dõi từ vệ tinh trên quỹ đạo đối với rác thải nhựa xuất hiện trong đại dương. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi các mảnh rác riêng lẻ đều nhỏ hơn các đối tượng có thể phân biệt được từ vệ tinh.
Các nhà khoa học dự định theo dõi rác thải nhựa trên biển thông qua các tia phản chiếu, hình thành khi ánh nắng chiếu vào các mảnh rác trôi nổi. Các thử nghiệm đầu tiên đối với kỹ thuật này đem lại kết quả rất khả quan.
“Từ trên quỹ đạo, chúng ta không thể phát hiện một chai nhựa riêng lẻ trôi trên mặt biển, tuy nhiên chúng ta có thể phát hiện cả đống rác” - Tiến sĩ Lauren Biermann, một trong những tác giả của phương pháp mới theo dõi rác trên đại dương, cho biết như vậy.