Cuộc sống du học sinh Việt Nam tại Nhật trong những ngày nới lỏng xã hội

Cuộc sống du học sinh Việt Nam tại Nhật trong những ngày nới lỏng xã hội

Ngày 14/5 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 39 trên tổng số 47 tỉnh thành trong cả nước bởi sự lây lan của dịch Covid -19 tại các khu vực này đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và 7 tỉnh thành khác nằm trong danh sách cảnh báo đặc biệt. Trong đó có ba tỉnh giáp thủ đô gồm Chiba, Kanagawa, Saitama; ba tỉnh ở khu vực Kansai gồm Osaka, Kyoto và Hyogo cùng tỉnh cực Bắc Hokkaido.

Hiện đang theo học chuyên ngành công nghệ sản xuất tại một trường đại học thuộc tỉnh Gifu, du học sinh Phạm Văn Thịnh cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 mà hai tháng vừa qua là quãng thời gian thực sự rất khó khăn đối với bản thân em trên đất nước Nhật Bản”.

Trao đổi với PV, Thịnh kể trước kia ngoài giờ học ở trường em còn tranh thủ đi làm thêm tại một nhà hàng gần nơi sinh sống để có thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Số tiền kiếm được Thịnh chỉ giữ lại một phần nhỏ đủ để chi tiêu, còn lại sẽ gửi về Việt Nam để phụ giúp bố mẹ.

“Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội vào hồi tháng 3 trường học phải đóng cửa, công việc làm thêm cũng phải tạm ngừng, do không có thu nhập nên em phải vay mượn người quen để chi trả phí sinh hoạt. Nhiều bạn bè của em cũng gặp tình trạng tương tự, có người không thể vay mượn được ai, nên phải nhờ bố mẹ gửi tiền từ Việt Nam sang. Thời điểm này, dịch bệnh dần được kiểm soát nên em đã đi làm trở lại. Dù phải giảm số giờ làm xuống nhưng nếu chi tiêu tiết kiệm thì bản thân em không phải lo lắng gì nhiều”. Thịnh tâm sự.

Cuộc sống du học sinh Việt Nam tại Nhật trong những ngày nới lỏng xã hội ảnh 1
Thịnh cùng những du học sinh Việt Nam tại khu vui chơi trượt tuyết trong những ngày đầu nới lỏng xã hội. Ảnh NVCC

Cho đến nay, phần lớn các trường đại học tại Nhật Bản vẫn đang tiến hành học online. Học sinh, sinh viên cũng có thể nhận bài tập về nhà thông qua đường bưu điện.

Cách Thịnh 300km tại Hyogo, du học sinh Phạm Nhật Phong cho biết: “Đã hơn 1 tháng kể từ khi tỉnh Hyogo phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cuộc sống của em vì thế mà cũng đảo lộn hoàn toàn. Số giờ làm thêm tại quán ăn giảm từ 28 tiếng/tuần xuống còn 15 tiếng/ tuần. Sau đó vì số người nhiễm vẫn tăng nên em chủ động nghỉ ở nhà. Mọi chi phí sinh hoạt từ đó tới nay được em trích ra từ khoản tiền tiết kiệm dành dụm được”.

“Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, em chủ động tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng chống dịch. Số lượng bệnh nhân được chữa khỏi tại Hyogo liên tục tăng nên vào cuối tháng 5 này, tỉnh sẽ được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp”, Phong thông tin.

Cuộc sống du học sinh Việt Nam tại Nhật trong những ngày nới lỏng xã hội ảnh 2
Nhóm sinh viên thực tập của du học sinh Nguyễn Hà Dung tại Nhật Bản. Ảnh NVCC 

Hiện đang thực tập tại Marunuma kogenski thuộc tỉnh Gunma, em Nguyễn Hà Dung sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Các cơ sở tiếp nhận sinh viên thực tập đã hoạt động trở lại nên em hy vọng sẽ sớm hoàn thành chương trình thực tập tại đây để trở về nước. Thời gian thực tập ở Nhật Bản tuy không nhiều nhưng bản thân em tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, để khi về nước có thể vận dụng vào ngành nghề mà mình theo đuổi”.

Ngày 19/5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình hỗ trợ tài chính cho các sinh viên gặp khó khăn về tài chính do dịch Covid -19. Đáng chú ý, các sinh viên nước ngoài học tập tại Nhật Bản cũng sẽ được nhận tiền trợ cấp từ chương trình này.

Theo đó, Nhật Bản sẽ trợ cấp tối đa bằng tiền mặt 200.000 yên (khoảng 1.900 USD)/người cho các sinh viên đang theo học tại khoảng 430.000 trường cao đẳng, đại học, trường kỹ thuật dạy nghề và trường dạy tiếng Nhật ở Nhật Bản.

Cụ thể, các sinh viên thuộc hộ gia đình có thu nhập thấp và được miễn giảm thuế cư trú sẽ được trợ cấp 200.000 yên/người, trong khi những sinh viên khác sẽ được nhận 100.000 yên/người.

Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 16.305 ca nhiễm, trong đó có 749 ca tử vong, chưa kể số ca nhiễm và tử vong trên du thuyền Diamond Princess. Kể từ đầu tháng 5, số ca nhiễm mới tại đây đã giảm, đồng thời số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi cũng liên tục tăng. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ