Cuộc sống của nam giới nơi thiếu vắng... phụ nữ

GD&TĐ - Mối liên hệ vốn có giữa người dân Faroe và môi trường xung quanh được dệt nên qua cuốn sách mới mang tên 'Atlantic Cowboy' của Gjestvang.

Aadne và Jóannes, cặp anh em sinh đôi 51 tuổi ở quần đảo Faroe, nơi có 107 đàn ông trên 100 phụ nữ. Ảnh: Gjestvang
Aadne và Jóannes, cặp anh em sinh đôi 51 tuổi ở quần đảo Faroe, nơi có 107 đàn ông trên 100 phụ nữ. Ảnh: Gjestvang

Trong những bức ảnh ấn tượng về quần đảo Faroe xa xôi, nằm giữa Iceland và quê hương Na Uy của mình, nhiếp ảnh gia Andrea Gjestvang đã khắc họa cư dân trên đảo với sinh kế khắc nghiệt. Điều đặc biệt là đa số người dân tại đây đều là nam giới.

Mối liên hệ vốn có giữa người dân Faroe và môi trường xung quanh được dệt nên qua cuốn sách mới mang tên “Atlantic Cowboy” của Gjestvang. Trong đó, chân dung người dân xuất hiện bên cạnh những bức ảnh phong cảnh ấn tượng, nhắc lại điều kiện khắc nghiệt của Faroe và nhiều khu định cư hẻo lánh bị các ngọn núi lân cận che khuất.

Những bức ảnh khắc họa ngư dân băng qua các vùng biển lạnh giá, mây cuộn trên núi hiểm trở và những ngôi làng bên vách đá. Quần áo và ủng của họ dính đầy máu của gia súc, động vật biển bị giết thịt. Các công cụ lao động được treo trên tường của các tòa nhà bằng gỗ truyền thống.

“Tôi không phải là nhiếp ảnh gia phong cảnh, nhưng cũng giống như chụp chân dung người, khi tôi chụp phong cảnh, tôi tìm kiếm tâm trạng”, Gjestvang chia sẻ. Cô cho biết luôn cố gắng coi phong cảnh giống như một bức chân dung, hoặc một thứ gì, bằng cách nào đó, thể hiện cảm xúc.

Địa hình hiểm trở của quần đảo Faroe dưới ống kính của Gjestvang.

Địa hình hiểm trở của quần đảo Faroe dưới ống kính của Gjestvang.

Đời thường của cánh nam giới

Những bức ảnh Gjestvang chụp cũng tiết lộ một khía cạnh khác đầy thách thức của cuộc sống ở Faroe, vốn có thể là nơi sinh sống đầu tiên của các nhà tu hành Ireland vào thế kỷ thứ 6. Đối tượng của cô hầu như chỉ là nam giới.

Phần lớn, nền kinh tế của Faroe xoay quanh những công việc đòi hỏi thể lực thường do nam giới đảm nhận, riêng ngành đánh cá của quần đảo đã sử dụng 15% lực lượng lao động. Suốt 6 năm, Gjestvang đã hướng ống kính về cuộc sống và cộng đồng của những người đàn ông chưa lập gia đình trên đảo.

Người dân Faroe sau một cuộc săn cá voi - một truyền thống gây tranh cãi và khiến thế giới phản đối. Ảnh: Gjestvang

Người dân Faroe sau một cuộc săn cá voi - một truyền thống gây tranh cãi và khiến thế giới phản đối. Ảnh: Gjestvang

Trong các bức ảnh, họ đang vặt lông chim biển, chăm sóc dê hoặc kéo xác một con cá voi hoa tiêu bị giết thịt vào bờ. Thịt cá voi đã từng là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người Faroe, mặc dù các cuộc săn bắt cá voi và cá heo gây tranh cãi tại nơi đây đang tạo ra sự phẫn nộ toàn cầu.

Trong khi đó, phụ nữ trẻ thường chọn học tập hoặc làm việc tại Copenhagen (quần đảo Faroe là một phần của Vương quốc Đan Mạch) hoặc các nơi khác ở châu Âu. Gjestvang biết rằng nhiều phụ nữ không bao giờ trở lại.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2021 chỉ 48,2% dân số quần đảo tự trị này là nữ, khiến nó nằm trong số những nơi mất cân bằng giới tính nhất ở châu Âu. Điều này tương đương với hơn 107 nam giới trên 100 phụ nữ, hoặc thiếu hụt khoảng 2 nghìn nữ giới.

Con số này có vẻ không lớn, nhưng khi 17 hòn đảo có người sinh sống này chỉ là nơi ở của khoảng 53 nghìn người với chênh lệch về giới rõ rệt ở người trẻ tuổi, nó có tác động xã hội đáng kể. Ông Faroe Aksel V. Johannesen cho biết, chênh lệch về giới tính là một trong những thách thức lớn nhất của chính quyền khi ông lên lãnh đạo vào năm 2015.

Đối với Gjestvang, sự năng động này mang đến cơ hội thú vị để thực hiện một dự án về nam giới. “Là nhiếp ảnh gia nữ, tôi có rất nhiều việc liên quan đến những câu chuyện về sức khỏe nữ giới và các vấn đề của phụ nữ vốn rất quan trọng, nhưng tôi đã tò mò xoay máy ảnh của mình sang một hướng khác”, Gjestvang chia sẻ.

Ông Andrias, 54 tuổi, với chú mèo con bên ngoài ngôi nhà của ông ở Vidareidi. Ảnh: Gjestvang

Ông Andrias, 54 tuổi, với chú mèo con bên ngoài ngôi nhà của ông ở Vidareidi. Ảnh: Gjestvang

Nơi tôn vinh sức mạnh và lòng dũng cảm

Triển vọng kinh tế đối với phụ nữ Faroe giờ đây có vẻ tươi sáng hơn so với những năm 1990, khi hàng nghìn người rời bỏ quê hương trong bối cảnh nền kinh tế suy sụp một phần do nguồn cá bị thu hẹp.

Được thúc đẩy bởi ngành du lịch và dịch vụ đang phát triển, GDP bình quân đầu người ở đây đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 và hiện ngang bằng với Mỹ.

Trong những năm gần đây, chính quyền đã đầu tư vào các sáng kiến về bình đẳng giới và việc làm với hy vọng làm cho các hòn đảo trở nên hấp dẫn hơn đối với phụ nữ. “Họ đã cố gắng khiến việc làm mẹ đơn thân trở nên dễ dàng hơn một chút”, Gjestvang nói thêm.

Nhiếp ảnh gia cho biết, tình trạng thiếu phụ nữ không thể hiện rõ ở thủ phủ Tórshavn của Faroe, mặc dù nó trở nên “khá rõ ràng” khi đi đến các ngôi làng nhỏ hơn.

Đời sống xã hội của những cộng đồng ven biển này thường xoay quanh các bến cảng. Cô đã dành thời gian đến thăm các điểm gặp gỡ thân mật, nơi những người đàn ông “đi chơi, uống bia và nói chuyện”.

Những bức chân dung của Gjestvang cũng đưa ra hình ảnh chân thực về nam giới trong chính ngôi nhà của họ. Một số người ngồi hoặc nằm một mình trên ghế sofa, trong khi những người khác ở bên thú cưng hoặc người thân là phụ nữ.

Một cậu bé trên chuyến phà đi từ thủ phủ Tórshavn của quần đảo Faroe đến hòn đảo Suduroy ở phía Nam. Ảnh: Gjestvang

Một cậu bé trên chuyến phà đi từ thủ phủ Tórshavn của quần đảo Faroe đến hòn đảo Suduroy ở phía Nam. Ảnh: Gjestvang

Trong một số cuộc phỏng vấn của Gjestvang, các chủ đề được mở ra về thực tế cuộc sống trong một xã hội do nam giới thống trị. “Tôi cầu Chúa để tìm được một người vợ”, một người đàn ông chưa lập gia đình nói với Gjestvang, “nhưng có lẽ Chúa không nghe thấy tôi”.

Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia tin rằng hầu hết những người đàn ông mà cô gặp đều không cô đơn, một phần nhờ vào bản chất gắn bó chặt chẽ của các gia đình người Faroe.

Như một người đàn ông 40 tuổi đã nói: “Những mối quan hệ gia đình bền chặt trở thành thứ thay thế. Bản thân tôi cũng đã có gia đình, mặc dù tôi không có vợ con. Khi bạn có một gia đình lớn và gắn bó, bạn có tự do là chính mình và tìm thấy sự bình yên với điều đó”.

Một người đàn ông khác được Gjestvang phỏng vấn nói rằng quần đảo Faroe là sân chơi hoàn hảo cho nam giới. Tại đây họ có thể câu cá, ở ngoài trời và sự tự do là vô tận.

Trong khi đó, theo Gjestvang, nhiều thập kỷ nhân khẩu học chênh lệch về giới tính đã góp phần tạo nên một bản sắc dân tộc tiếp tục tôn vinh sức mạnh và lòng dũng cảm ở Faroe.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ