Cuộc rửa thù huy hoàng của 47 lãng khách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 31/1/1703, dinh thự của tham quan Kira Yoshinaka (1641 - 1703) đang tưng bừng tiệc tùng đột ngột bị tấn công.

Tranh vẽ mô tả cuộc tấn công rửa thù của nhóm Akō-rōshi. Ảnh: Wikipedia.org
Tranh vẽ mô tả cuộc tấn công rửa thù của nhóm Akō-rōshi. Ảnh: Wikipedia.org

Nhóm tập kích là 47 samurai mất chủ. Chỉ trong vòng vài giờ, họ khống chế toàn bộ cục diện, lấy đầu kẻ thù và hiên ngang xách nó đến mộ chủ nhân đã khuất để tế bái dưới sự chứng kiến của mọi người.

Xích mích giữa khâm sai và sứ thần

Trong tiếng Nhật, ronin là từ chỉ samurai vô chủ (do mất chủ hoặc không có chủ) hay còn gọi lãng khách. Người Nhật Bản đặt tên vụ rửa thù của 47 lãng khách kể trên là Sự cố Akō và những người tham gia là Akō-rōshi. Mối thù của họ đối với tham quan Kira bắt đầu từ 2 năm trước, 1701.

Vào năm này, Asano Naganori (1667 - 1701), chủ nhân của họ được Mạc phủ Tokugawa tái bổ nhiệm làm khâm sai, lãnh trọng trách đón tiếp đoàn sứ thần từ Hoàng gia Kyoto.

Sự song hành của Mạc phủ Tokugawa và Hoàng gia Kyoto bắt đầu từ năm 794 cho đến Thời kỳ Minh Trị (1868 - 1912). Mạc phủ Tokugawa là chính quyền quân sự, đứng đầu là các Chính di Đại tướng quân và nắm thực quyền. Hoàng gia Kyoto là hoàng cung Nhật Bản, đứng đầu là các Nhật hoàng và chỉ nắm quyền trên danh nghĩa.

Naganori sinh ra và lớn lên trong gia tộc samurai lừng danh Asano, năm 1683 từng được cử làm khâm sai lần đầu tiên còn Yoshinaka là quan viên dẫn đầu đoàn sứ thần từ Kyoto. Trong khi Naganori ngời ngợi tinh thần võ sĩ đạo thì Yoshinaka khét danh tham quan vô lại. Ông ta thô lỗ và ngạo mạn, ngay từ lần đầu gặp mặt Naganori đã tỏ thái độ hống hách khiến khâm sai này căm ghét.

Năm 1701, cặp khâm sai nặng tinh thần võ sĩ đạo và tham quan hám của hối lộ lại phải đối diện với nhau lần nữa. Lợi dụng vị thế sứ thần, Yoshinaka “đè đầu cưỡi cổ” Naganori và khiến ông nổi giận lôi đình.

Nhờ cấp dưới nhanh miệng đỡ lời và khuyên can, Naganori cố nhịn nhục; nhưng Yoshinaka lại lấy họ làm gương, “nhắc nhở” Naganori “nhìn mà học”. Không chịu đựng nổi nữa, Naganori rút đoản kiếm lao lên. Quá bất ngờ, Yoshinaka không kịp tránh và bị trúng một nhát chém vào mặt.

Tấn công sứ thần từ hoàng cung là tội chết nên, dù Yoshinaka không bị thương nặng, Naganori vẫn bị Chính di Đại tướng quân đương nhiệm là Tokugawa Tsunayoshi (1646 - 1709) hạ lệnh mổ bụng tự sát tạ tội.

Khâm sai Asano Naganori (1667 - 1701). Ảnh: Wikipedia.org

Khâm sai Asano Naganori (1667 - 1701). Ảnh: Wikipedia.org

Nhóm ronin giàu tinh thần võ sĩ đạo nhất

Dưới tay Naganori có khoảng 300 samurai và cái chết của ông biến họ thành các ronin. Không còn chủ, nhiều người chọn quay về với gia đình, đi theo người yêu hoặc bỏ trốn. Gia tộc Asano cũng bị tịch thu đất đai, của cải và rơi vào cảnh lụi bại. Tuy nhiên, vẫn còn 47 ronin quyết tâm giữ vững lòng trung thành với cố chủ nhân, kỳ vọng phục hưng gia tộc Asano là nhóm Akō-rōshi.

Vì Naganori mổ bụng tự sát theo lệnh của Chính di Đại tướng quân nên, về lý, nhóm Akō-rōshi không được phép trả thù và họ cũng bị cấm có bất kỳ hành vi trả thù nào nhắm vào Yoshinaka.

Tuy nhiên, về tình, không bất cứ thành viên nào trong nhóm có ý định để yên cho gã tham quan này. Tất nhiên, Yoshinaka ý thức rõ điều đó. Ông ta không tiếc vung tiền mua thêm samurai, bảo vệ nơi ở cẩn thận và bí mật theo dõi hành tung của nhóm Akō-rōshi.

Để qua mắt Yoshinaka, nhóm Akō-rōshi vờ làm những lãng khách bê tha, suốt ngày cờ bạc, rượu chè. Ronin chỉ huy của nhóm, Ōishi còn ghé các nhà thổ liên miên, có lần say rượu đến nỗi ngủ luôn ngoài đường. Một người dân nhìn thấy đã vô cùng tức giận, mắng chửi, đá và nhổ vào mặt Ōishi. Người vợ đầu gối tay ấp suốt 20 năm của anh cũng không chịu nổi, ly hôn và dắt 2 con nhỏ về quê ngoại, chỉ để lại con trai lớn là Chikara.

Càng lúc, Yoshinaka càng buông lỏng sự cảnh giác. Ông ta không bao giờ ngờ, biểu hiện bệ rạc của Ōishi và các Akō-rōshi chỉ là đóng kịch. Đằng sau tai mắt của Yoshinaka, họ giả dạng làm thương nhân, người làm thuê… ra vào dinh thự của ông ta như cơm bữa và quan sát tỉ mỉ đến từng ngóc ngách. Một trong các Akō-rōshi còn kết hôn với con gái người xây dựng dinh thự của Yoshinaka để thuận tiện trộm bản thiết kế tòa nhà.

Sau 2 năm, nhóm Akō-rōshi không chỉ biết tường tận cửa nẻo, phòng ốc trong tòa dinh thự của Yoshinaka, mà còn đã tích trữ đủ vũ khí. Đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1703, họ trang bị gươm, cung tên đầy đủ và chia nhóm thành 2 toán, một toán do đích thân Ōishi chỉ huy, tấn công cửa trước còn một nhóm do con trai ông, Chikara dẫn đầu, tấn công cửa sau.

Ōishi cũng cho thuộc hạ thông báo và giải thích với tất cả các ngôi nhà lân cận, để họ không bị hoảng loạn và cuốn vào cuộc chiến. Vốn ghét cay ghét đắng Yoshinaka, ai nấy âm thầm ủng hộ, cố gắng không gây cản trở.

Mở đầu cuộc tấn công rửa thù là tiếng trống vang rền do Ōishi đánh. Nghe thấy, các thuộc hạ của Yoshinaka lập tức phóng ra cửa trước ngăn cản và rơi vào thế gọng kìm của cha con Ōishi.

Với kỹ năng cung, kiếm đỉnh cao, các Akō-rōshi nhanh chóng chế ngự được toàn bộ samurai của Yoshinaka, giết chết 16 người, làm bị thương 22 người, trong đó có cháu trai của Yoshinaka. Quá kinh sợ, Yoshinaka trốn vào trong chiếc tủ đặt ở hàng hiên cùng vợ và hầu gái.

Cuối cuộc tấn công và lục soát, Yoshinaka bị lôi ra giữa sân và yêu cầu mổ bụng tự sát. Ōishi đưa cho Yoshinaka thanh đoản kiếm mà Naganori đã dùng, hứa sẽ đích thân chặt đầu ông ta sau khi ông ta mổ bụng theo đúng nghi thức seppuku. Khác với Naganori, Yoshinaka không có tinh thần võ sĩ đạo và cũng không dám chết vinh dự. Ông ta cứ run bần bật nên, cuối cùng, Ōishi phải hạ lệnh cho một Akō-rōshi ấn ông ta nằm xuống và cắt đầu bằng đoản kiếm.

Bình minh lên, với đầu của Yoshinaka trên tay, nhóm Akō-rōshi diễu hành công khai trên đoạn đường dài 10km đến mộ của cố chủ nhân. Họ đi đến đâu, người dân đổ ra đường đến đấy, nhiệt liệt hoan nghênh và tung hô. Sau khi đặt đầu của Yoshinaka trước mộ của Naganori và bái tế, họ tự nộp mình cho Mạc phủ.

Trước tinh thần võ sĩ đạo cao quý của nhóm Akō-rōshi, các quan chức Mạc phủ rơi vào thế bí. Theo luật, họ phải xử tử các lãng khách dám kháng lệnh này nhưng theo tình, họ lại quá khâm phục, muốn nương tay. Cuối cùng, Chính di Đại tướng quân chỉ còn duy nhất một cách “vẹn cả đôi đường” là cho phép họ mổ bụng tự sát như chính cố chủ nhân của họ.

Ngày 4/2 cùng năm, 46 Akō-rōshi (trừ Terasaka Kichiemon, người được giao nhiệm vụ đến Thành Ako thông báo về cái chết của Yoshinaka) thực hiện nghi thức seppuku dưới sự chứng kiến của Mạc phủ. Người trẻ nhất trong nhóm, Chikara mới chỉ 16 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.