'Cuộc phản công của Ukraine có thực sự tồn tại?'

GD&TĐ -Dù lực lượng Ukraine được NATO huấn luyện, trang bị vũ khí mới nhất trị giá hàng chục tỷ USD, nhưng sau 2 tháng phản công vẫn cho kết quả thất vọng.

Ukraine chịu thương vong lớn sau thời gian phản công.
Ukraine chịu thương vong lớn sau thời gian phản công.

Tác chiến yếu

Khả năng chiến đấu yếu kém của các lực lượng Ukraine dù được phương Tây trang bị 'tận răng' đã được Tướng Roman Polko thuộc Lực lượng Bộ binh Ba Lan đã nghỉ hưu đặt câu hỏi: liệu cuộc phản công của Ukraine có thực sự tồn tại?

"Phản công là một từ mạnh. Một cuộc phản công theo định nghĩa là hành động trên một mặt trận rộng lớn với lực lượng lớn, tiến hành các hoạt động thể hiện rõ ràng việc giành thế chủ động.

Nhưng điều đó không rõ ràng trong cái gọi là cuộc phản công của Ukraine", ông Polko nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ba Lan.

"Ukraine, vì nhiều lý do, và tôi không biết liệu điều này (năng lực chiến đấu yếu) là do thiếu sự chuẩn bị hay thiếu sức mạnh không quân và pháo binh, đang hạn chế các hoạt động của mình trong các cuộc chiến với chiến thuật nhỏ, cho dù ở khu vực Bakhmut hay ở phía nam", cựu chỉ huy nói.

Polko, người trước đây từng là quyền Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, và là chỉ huy của đơn vị Lực lượng Đặc biệt Ba Lan JW GROM trong cuộc chiến tại Iraq do Mỹ lãnh đạo cho rằng các lực lượng Ukraine dường như chỉ đang thăm dò các vị trí của Nga để tìm cách mở cuộc tấn công mang tính đột phá trong tương lai.

Mặc dù thừa nhận thất bại trong cuộc phản công của Kiev cho đến nay, sĩ quan Ba ​​Lan vẫn lên tiếng phản đối khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Kiev với Moscow.

Ông tuyên bố, một "sự thỏa hiệp bao gồm việc Ukraine tước đoạt một phần lãnh thổ của mình" sẽ chỉ "trì hoãn" một cuộc xung đột trong tương lai.

Chậm tiến độ

Các quan chức Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov ngày càng thừa nhận rằng cuộc tấn công mùa hè được chờ đợi từ lâu bắt đầu vào ngày 4 tháng 6 đang diễn ra chậm hơn mong muốn và chậm tiến độ.

Nhưng họ vẫn tuyên bố rằng mọi thứ vẫn ổn theo kế hoạch và rằng sự chậm trễ của Kiev bắt nguồn từ mong muốn hạn chế thương vong.

Hành động của Kiev lại nói lên điều ngược lại, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Nga báo cáo hồi đầu tháng 8/2023 rằng Kiev đã mất gần 21.000 binh sĩ và hơn 2.200 thiết bị quân sự, bao gồm cả áo giáp hạng nặng và pháo binh do NATO cung cấp, trong các trận chiến với lực lượng Nga chỉ trong tháng 7.

Những lời phàn nàn của Polko về việc các lực lượng Ukraine không đạt được tiến bộ trước các vị trí của Nga là ví dụ mới nhất về việc các quan chức, phương tiện truyền thông và sĩ quan của phương Tây và NATO đổ lỗi cho chiến thuật của Kiev và các chỉ huy Ukraine thay vì đặt câu hỏi về chất lượng hỗ trợ và huấn luyện vũ khí của phương Tây.

Đặc biệt là sự thiếu khôn ngoan khi định hướng quân đội Ukraine tấn công vào các vị trí kiên cố của Nga mà không có sự yểm trợ của không quân và thiếu ưu thế về pháo binh.

Đối phó với nhiều chiến thuật tác chiến

Boris Rozhin, chuyên gia quân sự của Trung tâm Báo chí Chính trị-Quân sự (cơ quan tư vấn các vấn đề quân sự độc lập của Nga) đã có phân tích làm sáng tỏ những nỗ lực của lực lượng Ukraine nhằm đạt được tiến bộ trên thực địa.

"Kể từ cuộc tấn công ngày 14 tháng 6, họ định kỳ cố gắng thay đổi chiến thuật, bởi vì họ phải đối mặt với tổn thất nặng nề, ít tiến bộ. Điều này cho thấy rằng chiến thuật đã không hiệu quả.

Ban đầu, đặc biệt là vào tháng 6, lực lượng Ukraine đã cố gắng tấn công hệ thống phòng thủ của Nga bằng khối lượng lớn xe bọc thép.

Họ sa lầy trong khi đối phó với hệ thống phòng thủ Nga, chịu tổn thất nặng nề và thất bại trong việc tiến lên. Vì thế, cuộc phản công bị đình trệ", ông Rozhin nói.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, sau đó, quân Ukraine chuyển sang chiến thuật hành quân theo nhóm nhỏ với sự hỗ trợ của pháo binh. Điều này làm giảm tổn thất của Ukraine về thiết bị phương Tây, nhưng lại làm tăng tổn thất về nhân lực.

Cuối cùng, chiến thuật này cũng không mang lại bất kỳ tiến bộ lớn nào, bởi vì trên thực tế, nó tập trung vào việc di chuyển của bộ binh, chủ yếu là đi bộ. Và không thể đạt được bước đột phá sâu bằng phương pháp này, chứ đừng nói đến một cuộc tấn công quy mô lớn theo hướng Melitopol, Berdyansk hay Mariupol.

"Theo đó, vào tháng 8, chiến thuật tấn công bộ binh này cũng không được chứng minh.

Quân đội Ukraine hiện đã cố gắng quay trở lại chiến thuật sử dụng số lượng lớn xe bọc thép. Điều này dẫn đến việc tăng tổn thất về xe bọc thép trong khi giảm tổn thất về bộ binh.

Giờ đây họ đang cố gắng biện minh cho thất bại của mình bằng mọi cách, có thể bằng cách nói rằng 'Chúng tôi không tiến nhanh ngay từ đầu' do sự kháng cự của quân đội Nga. Điều này cho thấy rằng lực lượng Nga đã chuẩn bị tốt để ngăn chặn các chiến thuật của đối phương.

Hơn nữa, ngay cả khi lực lượng Ukraine thay đổi chiến thuật, quân đội Nga đã sẵn sàng cho những thay đổi này, và do đó, họ không thể đạt được kết quả tác chiến như mong muốn", ông Rozhin cho biết.

Clip đoàn xe chiến đấu Ukraine bị lực lượng Nga phục kích

Ông Rozhin lưu ý thêm rằng, mặc dù sử dụng thiết bị phương Tây, lính đánh thuê nước ngoài và sự trợ giúp của NATO, lực lượng Vũ trang Ukraine đã chứng tỏ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ phản công của mình.

Theo đó, tình hình này đã gây hoang mang ở phương Tây, bởi Mỹ và các đồng minh NATO của họ rõ ràng mong đợi một điều gì đó khác trong mùa hè này, chuyên gia này kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học sinh nghèo ở Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Không để học sinh nào mất Tết

GD&TĐ - Chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên nhiều trường học vùng khó ở Thanh Hóa lại ngược xuôi lo Tết cho học trò.

Đường lên bản Kim mây mù giăng kín. Ảnh: Hồng Nhung.

Vùng biên mùa hoa nở

GD&TĐ - Những chiếc lá cuối Đông lác đác nằm nghiêng mình dưới gốc bàng.