Cuộc nghiên cứu bí mật về trẻ sinh ba

GD&TĐ - Một nghiên cứu bí mật, chia tách các trẻ sinh đôi, sinh ba để theo dõi những biểu hiện của chúng trong những môi trường giáo dưỡng khác nhau đã gây xôn xao dư luận ở Mỹ sau khi vỡ lở vào những năm 1980.

Anh em sinh ba tái hợp sau 19 năm.
Anh em sinh ba tái hợp sau 19 năm.

Các nhà khoa học đứng sau cuộc nghiên cứu bị cho là nhẫn tâm và vô đạo đức. Sự thật ra sao? 

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ

Một ngày nọ, vào năm 1980, Robert Shafran, 19 tuổi, ở Scarsdale, New York, Mỹ, đến Trường Đại học Cộng đồng Sullivan ở Catskills để bước vào năm học mới. Anh phấn khởi với tương lai rộng mở phía trước, sẵn sàng cho một chương mới của cuộc đời mình.

Nhưng thật ngạc nhiên, khi vào trường, Shafran thấy nhiều người nhận ra mình, tay bắt mặt mừng, dường như họ biết rõ về anh, mặc dù anh chưa từng gặp ai trong số họ.

Khi thấy Shafran khăng khăng phủ nhận sự quen biết này, một sinh viên tên là Michael Domnitz đã giúp anh kết nối với Edward Galland, đã bỏ học ở Sullivan hồi năm trước. Michael cho rằng cả hai giống nhau như tạc.

Shafran gọi điện cho Galland và anh vô cùng ngạc nhiên vì giọng nói của hai người giống nhau một cách kỳ lạ. Cho đến khi họ gặp mặt thì sự ngạc nhiên lên đến cực điểm. Cả hai nhìn chằm chằm vào nhau như đang nhìn vào một tấm gương.

Do cả hai đều được nhận nuôi nên mọi người sớm biết họ thực sự là cặp song sinh thất lạc từ bé. Cuộc đoàn tụ này đã gây xôn xao dư luận một thời gian. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây.

Một thanh niên khác ở cách đó khá xa, tình cờ xem hình ảnh hai anh em Shafran và Galland tái hợp, ngay lập tức nhận ra mình có khuôn mặt giống y như họ. Cũng được nhận nuôi, David Kellman, sinh viên tại Đại học Queens, cảm thấy có điều kỳ lạ đang xảy ra, nên quyết định đi tìm sự thật. Khi gặp nhau, cả ba chàng trai đứng lặng nhìn vào khuôn mặt của nhau, hóa ra họ là anh em sinh ba. Điều gì đã xảy ra ở đây? 

Nghiên cứu bí mật

Chuyện bắt đầu từ 19 năm trước. Vào ngày 12 tháng 7 năm 1961, ba bé trai được sinh cùng ngày bởi một bà mẹ tuổi teen tại Bệnh viện Hillside ở Glen Oaks, New York. Người mẹ trẻ không đủ khả năng chăm sóc con nên đã giao ba đứa trẻ cho tổ chức nhận con nuôi Louise Wise Services ở Manhattan (nơi này hiện không còn tồn tại).

Sau đó, chúng được sự chú ý của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, nơi đang thực hiện một thí nghiệm về lý thuyết “Tự nhiên và nuôi dưỡng”.

Các nhà nghiên cứu đã bí mật tách các cặp sinh đôi, sinh ba mà cha mẹ từ bỏ ngay từ lúc mới sinh và gửi chúng đến các nhà nuôi dưỡng riêng biệt để xem những diễn biến của chúng giống và khác nhau như thế nào.

Nghiên cứu được thực hiện bởi hai bác sĩ tâm thần, phân tâm học trẻ em, Peter Neubauer và Viola Bernard. Họ nhanh chóng đến Louise Wise Services, tách cặp sinh ba này ra, đưa đến những gia đình khác nhau, thông qua cơ quan nhận nuôi Louise Wise.

Ba cậu bé được sắp xếp vào các gia đình thuộc tầng lớp lao động (Kellman), trung lưu (Galland) và thượng lưu (Shafran), ở cách xa nhau gần 200km.

Qua nhiều năm, cuộc sống và hành vi của ba đứa trẻ được các nhà nghiên cứu theo dõi chặt chẽ, trong khi chúng và cha mẹ nuôi hoàn toàn không biết chúng còn có hai anh em giống hệt nhau.

Ngoài ba đứa trẻ này, một số trẻ sinh đôi, sinh ba khác cũng được nghiên cứu theo cùng một cách được cho là trái đạo đức như vậy. Các bậc cha mẹ chỉ được biết con nuôi của họ là một phần trong cuộc nghiên cứu về phát triển trẻ em và họ đồng ý cho các nhà khoa học tiếp cận những đứa trẻ. 

Khoa học hay phi đạo đức?

Bác sĩ Peter Neubauer, người đứng đầu cuộc nghiên cứu bí mật.
Bác sĩ Peter Neubauer, người đứng đầu cuộc nghiên cứu bí mật.
Thí nghiệm gây tranh cãi này đã trở thành chủ đề của một bộ phim tài liệu do Tim Wardle đạo diễn, có tựa đề “Three Identical Strangers” (Tạm dịch: Ba người lạ giống nhau). Nó chỉ ra rằng, dường như không có giới hạn cho một số nhà khoa học tiến hành thí nghiệm phi đạo đức. Rõ ràng có một số mối liên hệ giữa sinh đôi và sinh ba, nhưng có thực sự cần thiết để tìm cách chứng minh điều này một cách nhẫn tâm như vậy? 

Sau khi ba anh em nói trên được đoàn tụ một cách hoàn toàn tình cờ, họ đã trở thành tâm điểm trên các phương tiện truyền thông, xuất hiện trên khắp các báo và chương trình truyền hình.

Ba người chuyển đến sống cùng nhau, thậm chí còn mở chung một nhà hàng ở Soho, Manhattan. Họ gặp mẹ ruột của mình chỉ trong một thời gian ngắn. Người mẹ này không muốn nhớ chuyện trong quá khứ và cũng không muốn kết nối với những đứa con lưu lạc của mình.

Trong khi đó, các cha mẹ nuôi của họ khi phát hiện thí nghiệm bí mật này đã tiến hành những vụ kiện nhưng không thành công vì thời điểm đó không có quy định cấm các nghiên cứu hành vi và cũng không có luật cấm việc chia tách những cặp sinh đôi, sinh ba.

Bi kịch xảy ra vào năm 1995, khi Galland, người có dấu hiệu của chứng rối loạn lưỡng cực và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, đã tự kết liễu cuộc đời mình. Điều này đã gây căng thẳng cho hai thành viên còn lại, bởi vì cả ba đều có những vấn đề về tâm thần giống nhau khi còn trẻ.

Sau đó, họ lại chia tay nhau mỗi người một ngả. Về điều này, David Kellman nói trong phẫn nộ, “Những người nghiên cứu từ lâu đã biết chúng tôi gặp phải những vấn đề gì. Họ có thể giúp. Nhưng họ lại không làm gì cả!”.

Còn điều gì đã xảy ra với nhân vật chính đằng sau toàn bộ dự án, bác sĩ Neubauer? Ông không công bố những phát hiện của mình, cũng không tỏ ra ân hận về những gì mình đã làm đối với những đứa trẻ.

Nghiên cứu gây tranh cãi kết thúc vào năm 1980, khi bang New York yêu cầu các cặp sinh đôi và sinh ba phải được nuôi chung với nhau. Sau đó, Neubauer giao các tài liệu nghiên cứu của mình cho ĐH Yale bảo mật, chỉ được công khai vào năm 2065. Năm 2008, ông qua đời, mang theo những bí mật xuống đáy mồ.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.