Nhưng tốc độ lây lan của các chủng mới nhanh gấp nhiều lần so với chủng gốc cộng với sự khan hiếm vắc-xin đang đẩy các nước vào cuộc đua khốc liệt trong việc mua vắc-xin và tiêm chủng cho người dân.
Hiện, có hơn 108 triệu người trên toàn cầu đã được tiêm vắc-xin so với hơn 103 triệu ca nhiễm virus. Mỹ hiện là nước đứng đầu thế giới cả về số người được tiêm chủng lẫn số ca dương tính, trong đó số người được tiêm chiếm tới 30% của thế giới. Trung Quốc đứng thứ hai, với số người được tiêm chiếm hơn 20% toàn cầu.
Tính trên quy mô quốc gia, Israel hiện là nước dẫn đầu về số người được tiêm chủng với hơn 55% số dân tương đương gần 5 triệu người, tính đến đầu tháng 2/2021. Tiếp theo là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Anh. Đây là các quốc gia có dân số tương đối nhỏ, có điều kiện về kinh tế và sớm chủ động sản xuất hoặc đặt mua số lượng lớn các loại vắc-xin.
Trên quy mô khu vực, châu Âu đang thể hiện như một khối thống nhất trong việc đoàn kết phân phối và tiêm chủng vắc-xin cho người dân. Thay vì mỗi nước thành viên EU tự đặt mua vắc-xin tương tự như cách Israel hay UAE đang làm, Ủy ban châu Âu đứng ra đại diện đàm phán với các nhà sản xuất để mua vắc-xin cho hơn 450 triệu người dân của cả khối EU.
Cách làm thống nhất của EU giúp hạ giá thành vắc-xin do mua với số lượng cực lớn, đồng thời đảm bảo công dân các nước giàu và nước kém phát triển hơn trong khối đều được tiếp cận vắc-xin một cách công bằng và kịp thời. Tinh thần đoàn kết này của giới chức các nước châu Âu được coi như hành động “chuộc lỗi” với cách ứng phó dịch kém hiệu quả mùa hè vừa qua.
Tuy nhiên, do đại dịch ngày càng trầm trọng hơn khiến cơn khát vắc-xin Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới, dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt lớn so với nhu cầu. Điều này đẩy kế hoạch mua và phân phối vắc-xin chung của các nước EU rơi vào thách thức lớn. Nỗ lực tiêm chủng chung của khối có nguy cơ thất bại do tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng.
Hiện, tổng số người được tiêm chủng của EU chỉ chiếm gần 3% dân số, kém xa so với 55% của Israel hay 14% của Anh. Với tốc độ như vậy sẽ không có nhiều quốc gia EU tiêm chủng được 1/3 dân số vào cuối năm 2021. Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm ca mới lại tăng gấp nhiều lần so với trước, khiến nỗ lực tiêm chủng không phát huy nhiều hiệu quả.
Khi tốc độ tiêm chủng bị hụt hơn với tốc độ lây nhiễm, người dân nhiều nước EU bắt đầu hết kiên nhẫn và không ngừng chỉ trích các chính phủ, tương tự như cách họ chỉ trích cách ứng phó dịch trong năm qua. Áp lực nặng nề khiến EU phải ra lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin bất chấp sự phản đối của nhiều chính trị gia.
Bên cạnh đó, một số nước EU cũng dần từ bỏ chiến thuật đoàn kết cùng cả khối mua và phân phối vắc-xin như trước, để chuyển sang hướng tự tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng của riêng mình. Trong số này có Hungary tuyên bố sẽ đặt mua vắc-xin do Nga và Trung Quốc sản xuất bất chấp việc EU chưa phê duyệt sử dụng.
Với diễn biến phức tạp của đại dịch hiện nay, cuộc đua mua và phân phối vắc-xin trên phạm vi toàn cầu đang vô cùng khốc liệt. Trong thời gian ngắn sắp tới, tình trạng này sẽ chưa được cải thiện đáng kể, buộc các nước phải tự tìm cách phát triển vắc-xin hoặc có hướng đi của riêng mình tùy vào điều kiện của mỗi nước.