95 triệu người Việt Nam cần khoảng 1 tỉ USD để mua vắc xin Covid-19

GD&TĐ - Đến thời điểm này, thế giới đã ghi nhận hơn 33 triệu ca mắc Covid-19, trong đó, có 1 triệu ca đã tử vong. Nhân loại đang mong chờ vắc xin như một trong những giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hiện vẫn chưa có một loại vắc xin hiệu quả nào được cấp phép tiêm chủng đại trà, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 vẫn đang tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu. Riêng trong tháng 8 và tháng 9/2020, trung bình 7 ngày lại có 5.000 người chết vì Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế của tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề. Sự giàu có và quyền lực cũng đã không thể bảo vệ bất kỳ quốc gia nào khỏi sức mạnh khủng khiếp của dịch bệnh.

Từ hơn 1 tháng trước đây, nhiều tờ báo nước ngoài cũng đã loan tin, Việt Nam đăng ký mua vắc xin ngừa Covid-19 của Nga, chỉ vài ngày sau khi Nga công bố loại vắc xin có tên Sputnik V giữa bối cảnh thế giới lúc đó đã ghi nhận hơn 21 triệu ca nhiễm.

Đại diện Việt Nam và Nga cũng đã trao đổi về số lượng vắc xin Việt Nam có thể đặt dao động trong khoảng 50 - 150 triệu liều, trong đó có một phần là phía Nga tặng, một phần là phía Việt Nam trả tiền.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 14/8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin: Việt Nam có đặt mua vắcxin ngừa Covid-19 mà Nga mới công bố, với số lượng có thể lên tới hàng chục triệu liều, trong đó một phần được Nga tài trợ, một phần là Việt Nam mua.

Bản tin Covid-19 sáng 28/9, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã qua 25 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, vấn đề liên quan đến Vắc xin luôn thu hút sự quan tâm lớn của người dân toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ở Việt Nam, có 2 nguồn vắc xin chính, sớm nhất có thể có vào năm 2021 tới, bao gồm: Nguồn thứ nhất là vắc xin trong nước với 4 nhà sản xuất đang chạy đua và đều đang ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật. Nguồn thứ 2 là vắc xin nhập khẩu, với 3 nguồn chính và Việt Nam đều đã đặt hàng, nhận được cam kết sẽ được cung cấp sớm, với giá ưu đãi dành cho nước đang phát triển (khoảng 10 USD/liều tiêm 2 mũi).

Trả lời trên Tuổi trẻ online ông Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - Bộ Y tế cho biết, 95 triệu người Việt Nam sẽ cần nguồn ngân sách khoảng 1 tỉ USD để mua vắc xin (với chi phí ưu đãi). Bộ Y tế đã tính toán dựa trên chủ trương mua đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân. Trong trường hợp nguồn cung hạn chế, sẽ tiêm trước cho những người nguy cơ cao nhất, dễ bị lây nhiễm nhất (nhân viên y tế, người làm việc tại khu vực nguy cơ cao...), và những người nếu nhiễm COVID-19 sẽ dễ có biến chuyển nặng (người già, người bệnh mãn tính...).

Cùng với đó, chi phí dự kiến 1 tỉ USD dùng để mua vắc xin cũng đang được tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra phương án cuối cùng. Nguồn kinh phí mua vắc xin hiện đang được nghiên cứu theo hướng "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Với vấn đề phòng dịch, sớm có vắc xin tức là sớm có thêm một công cụ hữu hiệu phòng ngừa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi và sự an tâm cho người dân tập trung phát triển kinh tế... Hi vọng các nước trên thế giới và Việt Nam có thể phát triển thành công vắc xin ngừa Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ