Cuộc đua tạo ra thịt nhân tạo: "In" ra miếng thịt, không cần chăn nuôi

GD&TĐ - Các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để sản xuất thịt thông qua nuôi cấy tế bào. Họ cho rằng việc tạo ra thịt mà không cần chăn nuôi và giết mổ gia súc sẽ tốt hơn cho môi trường, bảo vệ động vật.

Giám đốc điều hành Sharon Fima (phải) và Omri Schanin, đồng sáng lập và Phó Giám đốc điều hành của MeaTech.
Giám đốc điều hành Sharon Fima (phải) và Omri Schanin, đồng sáng lập và Phó Giám đốc điều hành của MeaTech.

“In” ra miếng bít tết

Miếng bít tết lớn nhất được cấy trong phòng thí nghiệm do công ty MeaTech 3D của Israel cho ra mắt với trọng lượng gần 110gram. Miếng bít tết này bao gồm các tế bào cơ và mỡ thực sự.

Để làm ra miếng bít tết trên, tế bào gốc của một con bò sống được đưa vào “mực sinh học” sau đó đặt trong máy in 3D của công ty để sản xuất bít tết. Sau đó, nó được phát triển trong một lồng ấp, trong đó các tế bào gốc được biệt hóa thành các tế bào mỡ và cơ.

Giám đốc điều hành Sharon Fima của công ty MeaTech cho biết, bước đột phá này là đỉnh cao của nỗ lực hơn một năm trong lĩnh vực sinh học tế bào và quy trình kỹ thuật mô thông lượng cao, cũng như công nghệ in sinh học chính xác của công ty.

MeaTech tin rằng đã đặt mình ở vị trí hàng đầu trong cuộc đua phát triển các sản phẩm thịt cao cấp dựa trên tế bào. Các dòng tế bào phục vụ chế tạo thịt lợn và thịt gà cũng đang được phát triển.

Công ty cho biết, họ hướng đến sản xuất thịt nuôi cấy với chi phí tương đương với thịt thông thường. Nhưng những miếng bít tết này sẽ không sớm xuất hiện trên bàn ăn của thực khách.

Dự án đầu tiên của công ty vào thị trường sẽ là bán chất béo được công ty nuôi cấy với vai trò là một thành phần cho các sản phẩm khác. Nhà máy thí điểm phục vụ mục đích này đã được lên kế hoạch xây dựng vào năm 2022.

Bà Selen Kell tại Viện Thực phẩm Tốt (Good Food Insitute - GFI) châu Âu cho biết, tuyên bố của MeaTech đánh dấu một bước tiến thú vị về độ phức tạp và kích thước của một miếng bít tết được nuôi cấy. “In 3D cho phép các công ty tạo ra các sản phẩm tinh vi hơn, có thể tái tạo chân thực hương vị, kết cấu và cảm giác ngon miệng của thịt thông thường”, ông nói.

Tuy nhiên, một nhà quan sát trong ngành cho biết in 3D hiện đã phổ biến và MeaTech vẫn chưa cho thấy công nghệ của họ có thể được mở rộng và sản xuất bít tết với chi phí hợp lý.

Miếng bít tết lớn nhất thế giới do công ty MeaTech của Israel tạo ra trong phòng thí nghiệm
Miếng bít tết lớn nhất thế giới do công ty MeaTech của Israel tạo ra trong phòng thí nghiệm

Món bít tết đầu tiên được nuôi cấy từ tế bào được một công ty khác của Israel là Aleph Farms sản xuất vào tháng 12/2018. Tuy rằng vào thời điểm đó, công ty này cho biết còn nhiều việc cần làm để tạo ra hương vị ngon.

Thịt được nuôi cấy từ tế bào cần có sự chấp thuận của cơ quan quản lý trước khi bán ra thị trường và điều này lần đầu tiên diễn ra vào cuối năm 2020, khi món gà của công ty Mỹ có tên Eat Just được phục vụ cho khách hàng ở Singapore.

Cuộc chạy đua của các công ty

Các công ty khác theo đuổi việc tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm bao gồm Mosa Meats ở Hà Lan do Giáo sư Mark Post thành lập. Ông là người đã sản xuất món thịt bò viên trong phòng thí nghiệm đầu tiên vào năm 2013.

Bên cạnh đó là công ty Memphis Meats, 2 công ty thịt lớn nhất thế giới là Tyson và Cargill đang sở hữu một phần của công ty này. Một công ty khác có tên Meatable cũng nhắm mục tiêu loại bỏ nhu cầu phải chiết xuất nhiều lần các tế bào ban đầu từ động vật bằng cách tạo ra các tế bạo tự nhân lên liên tục.

Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Lisbon ở Bồ Đào Nha đã công bố một kế hoạch do GFI tài trợ. Trong kế hoạch này, philê cá chẽm được làm từ các tế bào in 3D. Những tế bào này được nuôi trên giá thể được làm từ tảo.

Nhà khoa học Frederico Ferreira tại Đại học Lisbon chia sẻ: “Tôi thích cá và muốn tiếp tục ăn cá. Việc đánh bắt bền vững quy mô nhỏ có vai trò nhất định nhưng chúng ta không thể tiếp tục đánh bắt ở vùng biển sâu gây ra nhiều thiệt hại cho hệ sinh thái đại dương”.

Thịt tạo ra trong phòng thí nghiệm của công ty Meatable của Hà Lan trong một cái bánh Hamburger.
Thịt tạo ra trong phòng thí nghiệm của công ty Meatable của Hà Lan trong một cái bánh Hamburger.

Bà Seren Kell cho biết cuộc đua đang diễn ra để sản xuất bít tết, cá philê và các loại thịt khác bằng cách sử dụng nuôi cấy tế bào. Nhưng để những đổi mới này dễ tiếp cận và thu được những lợi ích to lớn về môi trường, sức khỏe cộng đồng và an ninh lương thực của thịt nuôi trồng càng nhanh càng tốt, chúng ta cần sự đầu tư hàng tỷ USD của các chính phủ vào công tác nghiên cứu và thương mại hóa.

Ngoài ra, một số công ty cũng đang sản xuất bít tết từ các nguyên liệu thực vật. Trong đó có công ty Novameta của Bồ Đào Nha đã cho ra sản phẩm mà họ cho là “thực tế nhất” tính đến đầu năm 2020. Thành phần của bít tết thực vật này bao gồm hạt đậu, rong biển và nước củ dền, chúng được ép thành sợi mịn để tạo mô cơ.

Vào tháng 11 vừa qua, hãng Redefine Meat giới thiệu món bít tết được in 3D và làm từ thực vật ở London (Anh). Một trong những người nếm thử sản phẩm này cho biết nó “rất tuyệt vời”. Các công ty khác tạo ra thịt có nguồn gốc thực vật bao gồm Atlast Food, họ đang sử dụng sợi nấm để tạo ra kết cấu tương tự như thịt.

Việc giảm ăn thịt đang rất cần thiết ở các quốc gia giàu có để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ chăn nuôi và tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm. Một nghiên cứu cho thấy, việc tránh ăn thịt và các sản phẩm từ sữa là cách duy nhất có tác động lớn của một cá nhân trong việc giảm gây hại cho môi trường.

Các sản phẩm từ thực vật có lượng khí thải rất thấp nhưng thịt làm ra từ nuôi cấy tế bào có thể cần một lượng lớn năng lượng để sản xuất. Quá trình này gây ra lượng khí thải đáng kể nếu nhà sản xuất không dùng các nguồn ít phát thải carbon.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.