'Cuộc đua' gay cấn

GD&TĐ - Hy vọng trở thành tân thủ tướng Thái Lan của ông Pita Limjaroenrat đã tiêu tan khi Quốc hội không chấp nhận việc ông được tái đề cử ứng viên.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha thông báo, Quốc hội nước này sẽ tiếp tục triệu tập một cuộc họp toàn thể vào ngày 27/7 tới để bỏ phiếu bầu Thủ tướng.

Trước đó, ngày 19/7, Quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu hủy bỏ việc tái đề cử ông Pita Limjaroenrat (43 tuổi) - lãnh đạo của Đảng Tiến bước (MFP) làm ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan. Ông Pita Limjaroenrat vốn giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 5 vừa qua.

Theo quy định, để trở thành thủ tướng Thái Lan, ứng viên phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376/750 nghị sĩ (gồm 250 thượng nghị sĩ và 500 hạ nghị sĩ) tại Quốc hội. Tuy nhiên, một thượng nghị sĩ đã từ chức vào ngày 12/7 vừa qua.

Bên cạnh đó, ông Pita đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan tạm thời đình chỉ tư cách nghị sĩ liên quan đến cáo buộc vi phạm Hiến pháp do nắm giữ cổ phần của một công ty truyền thông khi tranh cử tại Hạ viện. Do đó, ứng viên nào nhận được tối thiểu 374 phiếu ủng hộ tại Quốc hội sẽ trở thành Thủ tướng thứ 30 của xứ chùa Vàng.

Hy vọng trở thành tân thủ tướng Thái Lan của ông Pita Limjaroenrat đã tiêu tan khi Quốc hội không chấp nhận việc ông được tái đề cử ứng viên.

Sau khi giành được 151 ghế trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, MFP đã thành lập liên minh 8 đảng, bao gồm cả đảng giành được sự ủng hộ lớn trước đó là Pheu Thai. Tổng số ghế của liên minh này trong hạ viện theo đó tăng lên 312. Liên minh cũng đã ký kết một biên bản ghi nhớ chung, vạch ra gần 20 bước để định hình lại tương lai chính trị của Thái Lan.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với ông Pita và MFP là nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ và thượng nghị sĩ đối với chương trình cải cách luật khi quân - một trong những cam kết chính đưa ra trong chiến dịch tranh cử của đảng này.

Theo Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha, ngày 27/7, cuộc họp sẽ bắt đầu với việc các đảng đề cử ứng viên Thủ tướng của mình, sau đó tới phiên tranh luận về tư cách của những người được đề cử. Quá trình này phải hoàn tất trước 17 giờ cùng ngày và sau đó sẽ là cuộc bỏ phiếu.

Chủ tịch Quốc hội Thái Lan cho biết thêm ông chưa rõ sẽ có bao nhiêu ứng viên được đề cử. Sau khi cơ hội tranh cử của ông Pita khép lại, một số ứng viên mới được đánh giá có tiềm năng cho vị trí tân Thủ tướng Thái Lan như ông Thavisin; bà Paetongrn Shinawatra, con gái út cựu Thủ tướng Thaksin và ông Prawit Wongsuwan - đại diện của đảng Palang Pracharath nhận được sự ủng hộ từ quân đội.

Về phía cử tri, áp lực mà ông Pita và MFP đang hứng chịu đã khiến những người ủng hộ ông và các nhà hoạt động Thái Lan khác tức giận. Tuần trước, các cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã nổ ra. Song, không rõ liệu chúng có bùng phát trở lại như năm 2020 và 2021 hay không, khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường ở Bangkok để kêu gọi cải cách chế độ quân chủ và chính phủ.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Siripan Nogsuan - giáo sư khoa học chính trị tại Trường Đại học Chulalongkorn, bày tỏ: “Biểu tình là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi không biết liệu nó có thu hút đông đảo người dân hay không. Bởi, việc ông Pita không nhận được đủ sự ủng hộ từ các thượng nghị sĩ không phải điều quá bất ngờ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ