Cuộc đời thăng trầm của “Bố già vùng Harlem”

GD&TĐ - Trong hơn 30 năm, “Bumpy” Johnson là một trong những tên tội phạm được tôn thờ và đáng sợ nhất thành phố New York. Hắn còn được biết đến với tên gọi “Bố già vùng Harlem”.

Khu vực Harlem là nơi sinh sống của người da đen tại New York.
Khu vực Harlem là nơi sinh sống của người da đen tại New York.

Thời niên thiếu

Ellsworth Raymond Johnson sinh ngày 31/10/1905 tại thành phố Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ. Do đầu Johnson có một vết sưng ngay từ khi sinh ra, bạn bè đã đặt cho biệt danh là “Bumpy”. Không ai ngờ được biệt danh hài hước này đã đi theo cuộc đời tội phạm của Johnson và khiến nhiều người run sợ khi nghe đến.

Năm Johnson 10 tuổi, người anh trai là Wiliiam bị cáo buộc giết một người da trắng trong khu vực. Lo sợ bị trả thù, cha mẹ Johnson đã chuyển nhà đến Harlem, khu dân cư dành cho người da đen tại thành phố New York, bang New York, Mỹ.

Những năm đầu chuyển đến thành phố xa lạ, Johnson bị trẻ em địa phương trêu chọc vì cục u kì lạ trên đầu, giọng miền Nam đặc sệt và vóc dáng thấp bé. Tuy nhiên, thay vì chịu đựng những đòn đánh và lời chế giễu, Johnson từng bước tạo dựng tên tuổi “không ai có thể đụng vào”.

Thuở niên thiếu, Johnson được đánh giá là đứa trẻ thông minh, mang trong mình khát vọng trở thành luật sư. Sau khi tốt nghiệp trung học, hắn đăng ký vào Trường Cao đẳng thành phố New York nhưng phải bỏ học vì thiếu tiền. Y kiếm sống nhờ nghề phụ hồ, bán báo hay quét dọn nhà hàng.

Trong một lần làm việc tại nhà hàng, Johnson gặp William ‘Bub’ Hewlett, ông trùm của một băng đảng tội phạm tại Harlem. Dù bị người đàn ông đe dọa, Johnson vẫn tiếp tục làm việc mà không hề sợ hãi.

Đánh giá cao tính cách lì lợm của chàng thanh niên, Bub đã đề nghị Johnson tham gia vào chương trình bảo vệ thân thể cho nhân viên ngân hàng tại Harlem. Chẳng bao lâu sau, Johnson trở thành một trong những vệ sĩ được săn đón nhiều nhất.

Bên cạnh vai trò vệ sĩ, Johnson lún sâu vào những hoạt động phạm pháp trong băng đảng của Bub như cướp có vũ trang, tống tiền, ma cô… Y “vào tù ra tội” suốt những năm 20 tuổi. Cuối cùng, y chịu án tù 2,5 năm cho tội danh ăn cắp vặt.

Sau khi ra tù vào năm 1932, Johnson không một xu dính túi nhưng không muốn tiếp tục làm thuê cho Bub. Trở lại đường phố Harlem, lúc bấy giờ vô cùng náo nhiệt vì người da màu khắp nơi trên cả nước đổ về sinh sống, Johnson gặp quý bà Stephanie St. Clair.

Stephanie, người đưa Johnson vào con đường phạm pháp.
Stephanie, người đưa Johnson vào con đường phạm pháp.

Với biệt danh “Nữ hoàng của những con số”, Stephanie kinh doanh cờ bạc bất hợp pháp nhưng rất được yêu thích tại Harlem. Người đàn bà này quản lý một số tổ chức tội phạm trong thành phố, là người đứng đầu 40 Thieves, một băng đảng địa phương và cũng là nhà đầu tư cho các nhà cái ở khu vực lân cận.

Khi Johnson làm việc cho Bub, Stephanie đã để ý chàng trai này bởi ấn tượng với sự thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt không nề hà nguy hiểm. Hai người nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết dẫu cách nhau 20 tuổi. Johnson trở thành vệ sĩ riêng, đồng thời là người chạy việc, mật thám cho Stephanie.

Thời điểm này, nước Mỹ ban hành lệnh cấm sản xuất, bán hoặc vận chuyển rượu. Những kẻ buôn rượu bất chính đã chuyển sang kinh doanh sòng bạc bởi lợi nhuận cao hơn. Trong đó, tên tội phạm Dutch Schultz đã nhắm vào các sòng bài ở Harlem. Hắn ta đã đe dọa nhiều băng đảng trong khu phố để giành quyền kiểm soát sòng bạc.

Nhưng Stephanie không chịu đầu hàng. Thay mặt Stephanie, Johnson đã đấu súng với Schultz để phân chia quyền lực và tranh được quyền kiểm soát từ tay người này. Bị mất một phần thị trường làm ăn, Schultz đã hợp tác với Lucky Luciano, người đứng đầu một băng đảng mafia đang hoạt động tại Mỹ.

Schultz đã đề nghị Luciano gây khó dễ cho Stephanie, khiến bà phải liên tục lẩn trốn mafia. Trong thời gian này, Johnson thay Stephanie điều hành công việc, làm người đưa thông tin và bảo vệ cho Stephanie.

Theo yêu cầu của Stephanie, Johnson và 9 đồng bọn đã tiến hành cuộc đột kích vào hang ổ của Schultz và tiêu diệt đàn em của hắn ta. Nhóm đã sát hại và bắt cóc khoảng 40 người trong băng đảng Schultz. Cùng lúc đó, mối quan hệ giữa Schultz và Luciano rạn nứt nên Luciano đã thuê người ám sát Schultz.

Năm 1935, sau khi Schultz qua đời, Luciano tiếp quản hoạt động kinh doanh sòng bạc của hắn ta và hợp tác với Johnson. Các sòng bạc tại Harlem được phép hoạt động độc lập, không phải chịu kiểm soát của mafia nhưng phải chia cho họ một phần lợi nhuận. Trong nhiều năm, Johnson đã trở thành người trung gian giữa cộng đồng tội phạm tại Harlem và mafia Italy.

Trong khi đó, Stephanie cũng lui về nghỉ ngơi và giao lại hoạt động kinh doanh cho Johnson. Hắn đã mở rộng đế chế của mình qua kinh doanh ma túy, mại dâm, cờ bạc và bảo kê ngầm. Cũng từ đây, cái tên “Bố già vùng Harlem” ra đời.

Hoạt động của “Bố già”

Trong vai “Bố già vùng Harlem”, Johnson yêu cầu mọi hoạt động phạm tội trong khu vực này đều phải được sự đồng ý của mình. Khi một nhóm buôn ma túy quá số lượng quy định, hắn ta sẽ lấy đi số ma túy dư thừa. Bumpy được phép tham gia vào giao dịch của các nhóm xã hội đen mà không cần mở lời từ trước.

Như vợ hắn, bà Mayme Johnson, từng chia sẻ: “Nếu bạn muốn làm bất cứ điều gì tại Harlem, tốt hơn hết hãy gặp Bumpy và chia sẻ kế hoạch vì anh ấy điều hành nơi này. Bất cứ việc gì như mở sòng bài, buôn bán ma túy… đều phải được sự đồng ý của “Bố già”.

Những người không tuân theo quy luật đều phải trả giá thích đáng. Chẳng hạn, tên tội phạm Ulysses Rollins, từng được coi là đối thủ của Bumpy những năm đầu nắm quyền đã coi thường luật ngầm.

Khi biết Johnson thường xuyên ăn tối tại một nhà hàng địa phương và ít khi mang theo vệ sĩ, Rollins đã ngấm ngầm theo dõi nhiều tuần. Sau đó, hắn ta bất ngờ đánh úp vào một ngày Johnson mất cảnh giác. Theo những nhân chứng kể lại, thời điểm ấy, Rollins đã lao vào Johnson với một con dao sắc nhọn nhưng “Bố già” không mảy may bất ngờ.

Hai người đàn ông vật lộn dưới đất một lúc rồi “Bố già” đứng dậy, điềm nhiên thắt lại cà vạt. Trong khi đó, Rollins nằm dưới đất, khuôn mặt và cơ thể đẫm máu bởi bị đâm nhiều nhát bằng chính con dao của mình. Sau sự việc, Johnson bình tĩnh bước qua xác đối thủ, vào nhà hàng ăn tối như chưa có chuyện gì xảy ra.

Đây là một trong những kẻ hiếm hoi dám trực tiếp đối đầu với “Bố già” nhưng phải nhận kết cục tồi tệ. Đối với Johnson, luật lệ là sắt thép, là những điều mọi người phải tuân theo thay vì hỏi ngược lại hay cố tình làm trái ý. Nếu có người không chấp thuận, Johnson sẵn sàng lấy mạng họ để trừng phạt.

Danh tiếng của Johnson không phải chỉ nhờ vào quyền lực và công việc kinh doanh thừa hưởng từ Stephanie. Trong nhiều năm làm trung gian giữa mafia và tội phạm Harlem, Johnson đã khéo léo học cách hợp tác và chung sống với mafia.

Giữa họ thiết lập liên minh bền chặt và là một trong những giao kèo thành công đầu tiên giữa mafia Italy và tội phạm Mỹ. Nhờ có sự hậu thuẫn của Luciano và sau này là những người kế nhiệm, Johnson đã thuận lợi đầu tư buôn bán ma túy và cầm đầu công việc này tại Harlem.

Trong thời kì nắm quyền, Johnson đã thiết lập Harlem thành khu vực tội phạm có trật tự. Các nhóm tội phạm có thể làm việc độc lập hoặc hợp tác với nhau nhưng không để xảy ra tình trạng ăn chặn, cướp đoạt thị phần. Nhờ có Johnson làm trung gian, các nhóm tội phạm đã làm việc ăn ý với mafia Italy, mở rộng các hành vi phạm pháp và thu về lợi nhuận cao.

Dù nổi tiếng máu lạnh, Johnson đồng thời thể hiện là một thủ lĩnh thường xuyên cống hiến cho cộng đồng. Hắn cũng được biết đến là người ham đọc sách, đặc biệt sách về Lịch sử, Văn học, Triết học và thích chơi cờ vua.

Johnson thường xuyên giúp đỡ những người nghèo trong khu vực. Hắn ủng hộ tiền cho các gia đình khó khăn, đóng học phí cho những thanh thiếu niên có tố chất nhưng không thể đến trường và tổ chức các ngày lễ từ thiện.

Đối với phần đông người dân Harlem, Johnson là người đàn ông tốt bụng nhân hậu. Nhưng chỉ khi tham gia vào hoạt động của thế giới ngầm, mọi người mới được nhìn thấy mặt tối của “Bố già”.

Những năm cuối đời

Johnson khi bị bắt vào nhà tù Alcatraz.
Johnson khi bị bắt vào nhà tù Alcatraz.

Năm 1952, khi đang ở đỉnh cao, Johnson bị bắt vì tội buôn bán heroin, bị kết án 15 năm tù tại Nhà tù liên bang Alcatraz. Khét tiếng tại bang California, Mỹ, nhà tù Alcatraz, nằm trên một hòn đảo giữa biển, cách xa đất liền, là nơi giam giữ những tên tội phạm máu mặt, tàn bạo nhất đất nước.

Dù ở trong tù, Johnson vẫn gây được tiếng vang. Có tin đồn rằng, hắn ta đã giúp dàn dựng cuộc vượt ngục năm 1963 cho ba tên cướp ngân hàng Clarence, John và Morris. Nhóm này đã lập kế hoạch đào xuyên tường xà lim đến hành lang ngầm chạy dọc giữa các dãy nhà tù để tẩu thoát.

Khi chúng thoát ra khỏi nhà tù, Johnson đã liên hệ với người bên ngoài sắp xếp thuyền đón 3 tên. Tuy nhiên, 3 tên này đã bặt vô âm tín sau khi thoát khỏi nhà tù. Nhiều người cho rằng, họ vẫn còn sống, số khác nghĩ nhóm đã chết do gặp dòng nước chảy mạnh.

Vì lẽ đó, không ai có thể kiểm chứng tin đồn Johnson có giúp đỡ ba người bạn tù hay không. Nhưng những lời đồn khiến tiếng vang của ông trùm ngày càng vươn xa trong thế giới ngầm Mỹ.

Năm 1963, Johnson được thả tự do. Trở về Harlem, hắn ta được người dân nơi đây chào đón bằng một cuộc diễu hành và những bữa tiệc long trọng. Trở lại nơi bắt đầu, Johnson tiếp tục thâu tóm quyền hành. Nhưng nơi đây không còn giống như trước kia.

Vào thời điểm này, ngập tràn đường phố Harlem là các con nghiện ma túy. Hoạt động phạm tội bị lệ thuộc vào mafia Italy. Cùng lúc đó, các hoạt động vì quyền của người da đen tăng cao. Nhiều chính trị gia, nhà lãnh đạo nhân quyền đã quan tâm hơn đến Harlem và muốn rửa sạch các băng đảng tội phạm nơi này.

Trong đó, nhà hoạt động nhân quyền Malcolm X, từng là bạn cũ của Johnson, đã quyết định tìm nói chuyện với “Bố già” và đề nghị được ông ủng hộ, giúp đỡ. Từ đó, Malcolm X có thể lấy được niềm tin từ Harlem và tái thiết khu vực này. Song khi kế hoạch chưa kịp bắt đầu, Malcolm X đã bị ám sát.

Johnson hiểu rằng hắn ta sẽ không thể làm gì cho Harlem bởi bản thân sức khỏe đang suy yếu. Năm năm sau khi ra tù, Johnson qua đời vào ngày 7/7/1968 vì một cơn đau tim.

Bà Mayme bày tỏ: “Cuộc đời của chồng tôi có thể chứa đầy bạo lực, sóng gió nhưng cái chết của ông ấy là điều mà nhiều người mơ ước. Được chết tại nhà, bên cạnh những người thân yêu là một đặc ân”.

Nhiều năm sau khi qua đời, Johnson vẫn là nhân vật mang tính biểu tượng trong lịch sử Harlem. Trong những thập kỷ gần đây, câu chuyện về cuộc đời hắn ta được nhiều người biết đến hơn nhờ điện ảnh và truyền hình. Nổi bật nhất là bộ phim “Godfather of Harlem” (Bố già vùng Harlem), kể về những thăng trầm trong cuộc đời Johnson và hoạt động của thế giới ngầm nước Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ