Cuộc đời ông trùm ma túy Mexico: Chúa tể của những… đường hầm

GD&TĐ - “El Chapo” Guzman (hay còn gọi “gã lùn”), trùm ma túy khét tiếng tại Mexico, từng hai lần trốn thoát khỏi nhà tù an ninh bậc cao.

Đường hầm từ nhà tù Altiplano dẫn đến ngôi nhà bỏ hoang cách đó 1,5km.
Đường hầm từ nhà tù Altiplano dẫn đến ngôi nhà bỏ hoang cách đó 1,5km.

Để có thể nắm quyền buôn lậu ma túy tại Mexico, “gã lùn” đã sử dụng hệ thống “siêu đường hầm” tinh vi, mở ra phương pháp mới vận chuyển hàng nóng xuyên biên giới.

Trốn thoát khỏi nhà tù

Khoảng 9 giờ tối ngày 12/7/2015, Joaquin “El Chapo” Guzman, cầm đầu băng đảng buôn lậu ma túy và rửa tiền Sinaloa, đã trốn thoát khỏi Altiplano. Đây là một trong những nhà tù được canh phòng cẩn mật tại Mexico. Hắn trèo qua một miệng hố rộng 2,5m bên dưới khu vực buồng tắm trong phòng giam biệt lập. Chiếc thang dài chừng 10m, dựng từ miếng hố đến đường hầm phức tạp, cao khoảng 1,7m, rộng hơn 70cm.

Bên trong đường hầm chật hẹp, dài khoảng 1,5km. Đường hầm được trang bị hệ thống chiếu sáng chạy thẳng dọc trần, hệ thống thông gió làm từ ống nhựa và một chiếc môtô cải tiến dùng để chở đất đá và vận chuyển dụng cụ trong quá trình đào hầm. Hầm đủ rộng để Guzman, cao 1,65m, đứng thẳng được. Dù được trang bị hệ thống, hầm vẫn tối, bẩn, bốc mùi xăng.

Đường hầm dẫn đến một căn nhà đang xây, nằm trên miếng đất hoang sơ cách nhà tù Altiplano 1,5km, vừa vặn với chiều dài đường hầm. Theo các nhà chức trách phân tích, đường hầm được xây dựng trong thời gian dài nhưng chưa từng bị phát hiện cho đến khi Guzman biến mất.

Ngay sau đó, các chuyến bay từ thành phố Toluca, gần nhà tù Altiplano đã bị đình chỉ. Cảnh sát mở rộng truy vết kẻ đào tẩu về phía Tây, cách khoảng 90km, lấy lời khai hơn 30 nhân viên nhà tù song không thu được kết quả gì.

Chính phủ Mexico đã gửi lệnh truy nã quốc tế tại 10 quốc gia, treo thưởng gần 4 triệu USD cho những ai phát hiện ra nơi ẩn nấp của trùm ma túy. Trong thời gian này, Guzman đã quay lại điều hành băng đảng Sinaloa.

Một nhân chứng sống gần ngôi nhà cho biết, từ tháng 12/2014, một nhóm thợ đã xây dựng căn nhà và ở lại đây nghỉ vài tháng. Khung ngôi nhà được hoàn thiện từ tháng 2, 3/2015 nhưng những công nhân vẫn tiếp tục vận chuyển đất đá từ ngôi nhà suốt nhiều tháng. Đến ngày 10/7, họ mới rời đi.

Để xây dựng đường hầm dài 1,5km, có hệ thống chiếu sáng và thông gió, cơ quan điều tra ước tính thường phải mất từ 18 tháng đến 2 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, đàn em của Guzman đã lựa chọn những người đào hầm xuất sắc nhất trong băng đảng chuyên sử dụng đường hầm vận chuyển lậu ma túy để đẩy nhanh tiến độ. Nhóm có thể đã nỗ lực không quản ngày đêm vì tự do của ông chủ.

Nhà tù Altipano là một trong những nhà tù có hệ thống an ninh tốt nhất tại Mexico, tương đương với nhiều nhà tù tại Mỹ, Canada. Việc Guzman có thể trốn thoát dễ dàng làm dấy lên nghi ngờ hắn có tay trong tại nhà tù.

Ông Valentin Cardenas, Giám đốc nhà tù Altiplano, cùng hai quan chức khác đã bị sa thải. Sau khi Guzman trốn thoát khỏi nhà tù Altiplano, những bức ảnh rò rỉ cho thấy hắn ta đang thưởng thức bia, thư giãn trong buồng lái máy bay.

Đây là lần thứ hai Guzman vượt ngục thành công. Như đã đề cập ở kỳ 1, trùm ma túy Mexico lần đầu bị bắt vào năm 1993, chịu án 20 năm tù giam. Từ năm 1995, hắn bị giam tại nhà tù an ninh quốc gia Puente Grande, bang Jalisco, nhưng Guzman vẫn tiếp tục điều hành băng đảng Sinola nhờ hối lộ ban quản lý nhà tù.

Năm 2001, vài ngày trước khi bị dẫn độ sang Mỹ, Guzman đã trốn thoát khỏi nhà tù nhờ chui vào xe chở đồ giặt. Guzman lẩn trốn suốt 13 năm sau vụ tẩu thoát năm 2001. Hắn bị bắt và tống giam lại vào năm 2014.

Không phải đến khi bị bắt, Guzman mới nghĩ ra sử dụng đường hầm để bỏ trốn. Trong thời gian điều hành băng đảng Sinaloa, hắn đã chuẩn bị hàng chục đường hầm dưới lòng đất có kết cấu tinh vi. Khi Guzman bị bắt, đàn em đã mua lại mảnh đất gần nhà tù Altiplano, cho xây nhà để ngụy trang đào hầm cứu ông chủ. Việc xây dựng đường hầm được giao cho những tay sai vốn đã thông thạo các đường hầm bí mật khác.

Đường hầm ma túy của “gã lùn”

Một chiếc môtô tự chế trong hầm để vận chuyển đất đá.
Một chiếc môtô tự chế trong hầm để vận chuyển đất đá.

Trong bốn thập kỷ buôn lậu, Guzman thành công vận chuyển lậu ma túy nhờ xây dựng hệ thống đường hầm quanh biên giới Mexico – Mỹ. Khi Mỹ tổ chức trấn áp các tuyến đường buôn bán ma túy vào cuối những năm 1980, Guzman đã lựa chọn phương án vận chuyển mới là dưới lòng đất.

Guzman không phát minh ra các đường hầm buôn lậu, thay vào đó, những tên cướp ngân hàng, kẻ trộm, quân du kích đã sử dụng chúng trong nhiều thập kỷ. Nhưng băng đảng của Guzman đã mượn ý tưởng này để xây dựng đường hầm xuyên biên giới vận chuyển lậu ma túy đầu tiên vào năm 1898. Kể từ đó, Sinaloa đã phát triển thêm nhiều hệ thống dưới lòng đất và sử dụng đường hầm hiệu quả hơn bất kỳ nhóm tội phạm nào trong lịch sử.

“Gã lùn” đã yêu cầu đàn em mua lại một miếng đất ở thị trấn Agua Prieta, biên giới Mexico và hợp tác với kiến trúc sư Felipe de Jesus Corona-Verbera xây dựng nhà kho tại đây. Trong nhà kho rộng 2.000m2, Felipe đã thiết kế và xây dựng đường hầm nhưng nói dối thợ xây là đào hệ thống cấp nước.

Vì hệ thống định vị GPS không hoạt động dưới lòng đất, những tên tội phạm sử dụng la bàn để đào đất đến phía bên kia biên giới. Qua vài tháng, Sinaloa đã có đường hầm đầu tiên, kéo dài 300m đến Douglas, bang Arizona, Mỹ.

Cách duy nhất để vào đường hầm là bật vòi phun nước ngoài trời tại nhà kho nhằm kích hoạt hệ thống thủy lực, nâng bàn bi-a trong phòng trò chơi tại tầng trệt khu nhà, để lộ ra thang dẫn xuống đường hầm. Guzman sử dụng đường hầm này để buôn lậu, vận chuyển và tàng trữ ma túy.

Các đặc vụ Mỹ từng nhận được thông tin mật về đường hầm tại Agua Prieta và lập tức lục soát. Họ thử di chuyển bàn bi-a, khoan sàn nhà nhưng chỉ để lộ ra một buồng hầm chứa một miếng bê tông vô hại. Chỉ đến khi một đặc vụ vô tình bật vòi phun nước khiến tấm bê tông được nhấc lên, cơ quan điều tra mới phát hiện siêu đường hầm. Ngay lập tức, Felipe và nhiều đồng bọn của Guzman bị bắt giữ và dẫn độ sang Mỹ.

Sau vụ lật tẩy, Guzman hoạt động buôn lậu trên mặt đất. Hắn ngụy trang ma túy thành ớt, hạt tiêu hoặc giấu trong hộp thực phẩm, hộp thuốc. Từ năm 1992, một trong những mặt hàng buôn lậu hái ra tiền của Sinaloa là cần sa.

Nhưng loại này nặng và mùi hăng hơn so với cocaine hoặc heroin, khiến việc buôn lậu qua biên giới gặp nhiều rủi ro. Siêu đường hầm trở thành phương thức vận chuyển lý tưởng nên Sinaloa quyết tâm trở lại với đường hầm thứ hai tại thị trấn Otay Mesa.

Các đặc vụ Mỹ nhận xét Otay Mesa có địa thế thích hợp cho việc xây dựng đường hầm. Đất ở đây đủ mềm để đào bằng tay nhưng đủ cứng để dựng các bức tường trong đường hầm không cần gia cố bằng gỗ hoặc bê tông. Từ đó, Sinaloa đã phát triển hệ thống siêu đường hầm, bất chấp sự theo dõi của vệ tinh, thiết bị radar dò tìm của Lực lượng Đặc nhiệm đường hầm San Diego.

Nắm quyền buôn lậu toàn Mexico

Thang dài 10m nối từ miếng hố đến đường hầm.
Thang dài 10m nối từ miếng hố đến đường hầm.

Bằng cách xây dựng hệ thống đường hầm dọc theo biên giới phía Nam của Mỹ, Guzman đã giành lợi thế trước các đối thủ buôn bán ma túy. Hắn ta nhanh chóng trở thành nhà cung cấp và phân phối ma túy hàng đầu Mexico. Đường hầm đã làm mới hoạt động buôn bán ma túy tại Mỹ, trao quyền phân phối cho Mexico và giảm nguồn cung từ Columbia.

Trong khi Amado Carrillo Fuentes, ông trùm của băng đảng ma túy Juarez có biệt danh là “Chúa tể của bầu trời” vì chuyên vận chuyển ma túy bằng máy bay từ Mexico đến phía Bắc nước Mỹ thì “gã lùn” Guzman được biết đến là “Chúa tể của những đường hầm”.

Trong gần 1/4 thế kỷ, các quan chức Mỹ đã phát hiện nhiều đường hầm của tội phạm nhưng hầu hết chỉ là “lỗ chuột chũi” ngắn, hẹp, chỉ vừa một người chui qua. Ngược lại, những công trình của Sinaloa được coi là “siêu đường hầm”, thường mất vài tháng và hơn 1 triệu USD để xây dựng.

Đường hầm được xây rộng, chia làm các phòng hoặc các đường khác nhau. Nhiều phòng có thang máy, đèn điện, ống thông gió và lối vào được ngụy trang khéo léo. Các đường hầm có thể sâu hơn 20m, đủ cao để một người lớn có thể đi bộ hoặc đạp xe qua.

Hầu hết siêu đường hầm của Sinaloa được sử dụng để vận chuyển ma túy qua biên giới, từ Garita de Otay, khu công nghiệp ở phía Bắc Tijuana, Mexico, đến Otay Mesa, phía Nam San Diego, Mỹ. Vị trí xây hầm thường nằm gần đường cao tốc, trung tâm thương mại hoặc nằm trong những nhà kho tập trung gần biên giới. Hầu hết lối vào các siêu đường hầm đều nằm trong nhà kho nên khó bị phát hiện.

Vào những năm 1990, diện tích kho chứa hàng của Sinaloa ở Otay Mesa đã tăng gần gấp bốn lần trong khi tại Garita de Otay tăng chóng mặt. Thu hút sự chú ý của người dân địa phương và chính quyền là các xe nâng, búa khoan, xe hạng nặng, thùng container chứa hàng hóa liên tục ra vào.

Hàng trăm đặc vụ liên bang, từ Đội Tuần tra Biên giới, Cơ quan Điều tra An ninh nội địa, Cơ quan Quản lý Thực thi chống ma túy, Cơ quan Nhập cư và Hải quan Mỹ đã cùng nhau thành lập Lực lượng Đặc nhiệm đường hầm San Diego vào năm 2003 để điều tra, truy vết siêu đường hầm của “gã lùn” Guzman. Trung bình mỗi năm, các đặc vụ tìm thấy hai đường hầm nhưng hầu hết người họ bắt giữ đều là đặc nhiệm Sinaloa cấp thấp như tài xế xe tải, giám sát kho hàng.

Mạng lưới thông tin của Sinaloa được kiểm soát rất chặt chẽ, lượng thông tin được cung cấp chia theo từng nhóm đối tượng. Do đó, nếu những thành viên cấp thấp bị bắt giữ, họ cũng không thể tiết lộ nhiều thông tin có giá trị. Chỉ đến khi Guzman bị bắt, nhiều sự thật về siêu đường hầm mới được hé lộ.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là làm thế nào những tên tội phạm này có thể đào hầm nối đến buồng tắm trong khu vực giam giữ đặc biệt dành cho ông trùm khi lính gác canh giữ nghiêm cẩn. Nhiều khả năng nhóm đã dùng tia laser dẫn đường nhưng rủi ro là rất cao. “Gã lùn” Guzman sẽ không thử nếu không tự tin thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ