Chẳng những bị vùi dập bởi những kẻ ganh tị tài năng, ông còn bị “Thần chết” theo đuổi ngay khi còn bé với những vận xui kỳ lạ.
Vận xui đeo đuổi
Antoine-Joseph Sax sinh ngày 6/11/1814 tại Dinant, Bỉ, trong gia đình có đến 11 người con. Cha mẹ ông là nhà thiết kế nhạc khí, nên từ nhỏ ông đã tự học nghề, dành nhiều thời gian trong xưởng của gia đình. Ngay thời thơ ấu, Adolphe đã thể hiện năng khiếu bẩm sinh về nhạc và sự hiểu biết sâu sắc các nhạc cụ.
Khi mới 14 tuổi, Sax đã tìm cách tạo ra kèn clarinet phiên bản của riêng mình. Ở tuổi 15, ông đã đạt được những gì mà người đương thời cho là không thể, khi chế tạo ra một chiếc kèn clarinet và hai cây sáo bằng ngà voi, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Thế nhưng, điều đáng kinh ngạc là ông thường xuyên bị “Thần chết” rình rập từ khi còn bé nhưng lại luôn thoát chết một cách kỳ diệu,
Năm 3 tuổi, ông bị rơi từ cầu thang tầng ba xuống, đầu đập mạnh xuống nền đá bất tỉnh. Cha mẹ ông nghĩ rằng, con mình sẽ không sống nổi. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, Adolphe khỏi bệnh mà sức khỏe không bị ảnh hưởng gì.
Cùng năm đó, Adolphe vô tình nuốt phải một cây kim to, khả năng bị tử vong do thủng dạ dày và ruột rất cao. Nhưng cây kim đã bằng cách nào đó xuyên qua hệ tiêu hóa mà không gây ra bất kỳ thương tổn nào.
Không lâu sau, Adolphe uống nhầm axit sunfuric loãng, rồi tới một hỗn hợp gồm chì trắng, ôxit đồng và thạch tín do nghĩ đó là sữa. Nhưng thật kỳ lạ là ông vượt qua, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Vài năm sau, Adolphe bị bỏng rất nặng khi ngã và rơi xuống một bếp lò đang cháy. Nhưng ông không bị nhiễm trùng như tiên đoán của các thầy thuốc mà chỉ phải mang vết sẹo suốt đời.
Lần khác, đang đi bộ trên phố, ông bị một phiến ngói lớn từ mái nhà gần đó rơi trúng đầu khiến bất tỉnh và hôn mê. Ai cũng nghĩ Sax không thể sống sót sau tai nạn này, nhưng sau vài ngày, ông tỉnh dậy và tuyên bố: “Con vẫn còn sống mẹ ạ!”.
Khi lên 10 tuổi, đang ở trong xưởng của cha mình thì một thùng thuốc súng bất ngờ phát nổ, khiến ông bị văng ra xa. Bên cạnh sự bí ẩn về việc tại sao một xưởng nhạc cụ lại trữ thuốc súng, điều đáng kinh ngạc hơn nữa là Adolphe không hề bị thương.
Cũng khoảng thời gian này, ông rơi xuống một con sông. Không biết bơi, nhưng may mắn là ông mắc vào một chiếc cối xay gió và được một nông dân tình cờ đi ngang qua cứu được.
Adolphe Sax đã qua mặt Thần chết rất nhiều lần, đến nỗi được đặt cho biệt danh là “bé Sax, hồn ma” và “đứa trẻ ma từ Dinant”. Mẹ của ông thậm chí từng nói: “Nó là một đứa trẻ bị ma quỷ nguyền rủa, nó sẽ không sống lâu”.
Nhà phát minh lận đận
Sau đó, Thần chết dường như đã quên Adolphe trong một thời gian dài và ông tiếp tục tạo ra các thiết kế nhạc cụ mới cùng các cải tiến khác. Đến năm 20 tuổi, ông phát minh ra hệ thống bấm ngón mới cho kèn clarinet và thường xuyên đưa nhiều loại nhạc cụ mới của mình vào các cuộc thi, đặc biệt là tại Triển lãm quốc gia Bỉ, nơi ông đáng lẽ được Huy chương Vàng nhưng bị từ chối vì tuổi còn trẻ.
Adolphe Sax cũng được biết đến như một nhạc sĩ tài năng, từng theo học tại Nhạc viện Hoàng gia Brussels và được công nhận là một người chơi sáo và kèn clarinet điêu luyện.
Năm 1842, Adolphe Sax đến sống ở Paris, thiết kế các nhạc cụ mới cho các ban nhạc của quân đội Pháp. Ông đã kết hợp âm thanh của những chiếc kèn hơi gỗ với kèn đồng thau, cái mà sau này được gọi là saxophone, và được cấp bằng sáng chế vào năm 1846.
Vào thời điểm đó, saxophone được xem là nhạc cụ đầy sáng tạo và đi trước thời đại, mặc dù nó chậm nổi tiếng trong thế giới âm nhạc. Nhiều nhà sản xuất nhạc cụ khác đã tìm cách chống phá ông vì ghen tị với những cải tiến đi trước thời đại.
Sax bắt đầu giảng dạy tại Nhạc viện Paris vào năm 1857 và tiếp tục thiết kế nhiều nhạc cụ khác, nhưng chính cây saxophone đã giúp ông mãi mãi được biết đến, cho dù nó không làm cho ông giàu có.
Sax đã phá sản ba lần, các thiết kế bị vi phạm bản quyền liên tục, và trên hết là saxophone không được chấp nhận trong các dàn nhạc đương thời, rất ít được sử dụng, ngoài các ban nhạc quân đội. Ngoài ra, các đối thủ của Sax, luôn tìm cách vùi dập phát minh mới này, dùng mọi thủ đoạn để bôi nhọ thanh danh của Sax.
Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn, khi Thần chết dường như vẫn chưa quên ông. Lần nọ, xưởng làm đàn của Sax bị cháy rụi một cách bí ẩn, nhưng Sax may mắn không có mặt vào thời điểm đó.
Lần khác, một tay súng không rõ danh tính, được cho là do kẻ thù của Sax thuê, đã bắn một trong những trợ lý của ông vì cho đó là ông. Có lần ông còn bị những tên côn đồ bắt và đánh đập tàn nhẫn, nhưng kỳ lạ thay, ông vẫn sống sót.
Từ năm 1853 - 1858, Sax bị ung thư môi, căn bệnh được xem là tương đương với bản án tử hình vào thời điểm đó, nhưng ông lại hồi phục hoàn toàn kỳ diệu nhờ một bác sĩ Ấn Độ.
Người này chỉ đơn thuần điều trị cho ông bằng các biện pháp thảo dược. Sau khi uống một số loại nước pha chế, khối u đã phát triển lớn đến mức ông buộc phải ăn qua một cái ống, nhưng sau đó nó dần dần nhỏ lại và hoàn toàn biến mất.
Vận rủi cũng rình rập gia đình ông, hai trong số năm người con của ông chết khi còn nhỏ. Cuối cùng, Thần chết cũng chiến thắng vào năm 1894, lúc Adolphe Sax đã 79 tuổi, một điều không tồi đối với một người mà vận rủi đã theo đuổi từ khi còn nhỏ.
Sau cái chết của Adolphe Sax, saxophone tìm đường đến Hoa Kỳ, nơi nó đã trở thành một cơn sốt với các nhạc sĩ nhạc jazz và cuối cùng đã trở thành nhạc cụ nổi tiếng trên toàn thế giới.
Mặc dù, Sax chết trong cảnh nghèo nàn, nhưng phát minh của ông đã làm thay đổi bộ mặt âm nhạc mãi mãi, thiết kế kèn saxophone của ông vẫn không thay đổi cho đến ngày nay.