Cuộc "đấu trí" với Lưu Dung
Hòa Thân và Lưu Dung (1719-1805) là đại thần được trọng dụng dưới thời vua Càn Long. Nếu như Lưu Dung được trọng dụng vì tài mưu lược và thư pháp thì Hòa Thân được sủng ải bởi biết cách chiều chuộng theo ý của vua Càn Long.
Tuy cùng là quan trong triều nhưng xét về vị thế thì Hòa Thân hơn hẳn Lưu Dung. Theo sử ghi chép, được sự sủng ái của hoàng đế cộng với năng lực bản thân, trong suốt 29 năm làm quan trong triều đình, Hòa Thân lần lượt được cất nhắc đề bạt tổng cộng 47 lần.
Nhà Thanh chia quan lại toàn bộ triều đình làm chín cấp, tức cửu phẩm, trong mỗi phẩm lại chia thành hai cấp: Chánh (chính) và Tòng (phó). Năm 1776, Lưu Dung được phong làm Học sĩ nội các, nhận nhiệm vụ quản lý Nam thư phòng, nơi chỉ có thân tín của vua mới được lui tới. Chức quan này là nhị phẩm tòng.
Tháng một năm đó, Hòa Thân được giao làm Thị lang bộ hộ, đây là chức quan nhị phẩm chánh, đến tháng ba nhận chức Đại thần quân cơ xứ, tháng tư kiêm thêm Đại thần tổng quản nội vụ, chức quan nhất phẩm tòng. Năm 1776, Lưu Dung đã 58 tuổi, mới chỉ đảm nhận Nam thư phòng, còn Đại thần quân cơ xứ Hòa Thân mới 27 tuổi, từ đó có thể thấy vua Càn Long tín nhiệm ai hơn.
Bốn năm sau, vào tháng 3/1780, Hòa Thân được tiến cử làm Thượng thư bộ hộ, Đại thần ngự tiền kiêm Đô thống, đây đều là chức quan nhất phẩm tòng; Cũng tháng 5 năm đó Càn Long gả công chúa thứ 10 Cố Luân Hòa Hiếu cho con trai Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức. Mối quan hệ quân thần càng thêm khăng khít nên Càn Long phong Hòa Thân làm Đại thần nội thị vệ, chức quan nhất phẩm chánh kiêm Thượng thư bộ lễ.
Trong khi đó hai năm trước Lưu Dung mới được bổ nhiệm làm Thị lang bộ hộ (chức vụ mà Hòa Thân đã làm từ 4 năm trước) và Thị lang bộ lại, hai chức quan là nhị phẩm chính. Một năm sau được phong Ngự sử Lý Phiên viện, quan nhất phẩm tòng.
Về phần Lưu Dung, sau năm 1784 ông cũng được bổ nhiệm nhiều vị trí nhưng đều là quan nhất phẩm tòng. Phải đến năm 1797 vua Gia Khánh mới phong ông là Thể nhan các đại học sĩ, lúc này Lưu Dung mới được thăng nhất phẩm chánh, muộn hơn Hòa Thân 17 năm.
Tuy được phong đại học sĩ nhưng Lưu Dung không được vào Quân cơ xứ. Thêm vào đó khi tại thế, Lưu Dung cũng không được phong tước như Hòa Thân. Tước vị Văn Thanh Công là sau khi ông chết mới được vua ban tặng.
Quan điểm làm quan khác nhau nên dù không đối đầu trực tiếp nhưng giữa Hòa Thân và Lưu Dung xảy ra những "tranh chấp" ngoài ý muốn. Trong tâm Lưu Dung cho rằng làm tốt là được, làm gì cũng không màng tới sự thừa nhận của hoàng thượng, chỉ cần sống đúng với lương tâm là được.
Còn Hòa Trung Đường đã làm việc nhất định phải làm hoàn hảo, phải được hoàng thượng tán dương. Vì thế, tuy không vừa mắt với thói lộng quyền, tham ô của Hòa Thân nhưng Lưu Dung cũng không hề ra mặt chống đối. Duy nhất một lần, đó là vụ án Thống đốc Sơn Tây Quốc Thái.
Quốc Thái là bác ruột của một hoàng phi trong triều, năm 1777 nhậm chức Thống đốc Sơn Đông. Khi đương nhiệm, Quốc Thái bòn rút quốc khố, tham ô của công, đàn áp, bóc lột dân chúng. Vua Càn Long đã phái Hòa Thân và Lưu Dung tới Sơn Đông để điều tra. Hòa Thân là người có quan hệ thân thiết với Quốc Thái còn cha của Quốc Thái là cấp trên của Lưu Dung khi còn làm quan ở Tứ Xuyên và Thị lang bộ Công Nặc Mục Thân.
Trong khi Hòa Thân và Nặc Mục Thân một mặt tạo chứng cớ có lợi cho Quốc Thái đồng thời thị uy Quan giám sát ngự sử Giang Nam Tiền Phong thì Lưu Dung lại ngược lại, ông cùng Tiền Phong bàn cách đối phó với Hòa Thân và Quốc Thái.
Kết quả, Quốc Thái bị phát hiện tham ô 8 vạn lượng bạc và bị khép tội chết. Đây là lần đối đầu đầu tiên và duy nhất của Lưu Dung với Hòa Thân khi Hòa Thân đang tại chức.
Độc chiêu tham nhũng
Ngoài việc nhận hối lộ và ăn chặn tiền bạc của triều đình, tài sản của Hòa Thân còn được nhân lên hàng ngày nhờ việc mua quan bán tước. Trong 24 năm đương quyền, Hòa Thân đút túi khoảng 40 triệu lạng bạc chỉ với việc mua quan bán tước này. Không chỉ dừng lại ở đó, để kiếm thêm tiền bạc, Hòa Thân còn nghĩ ra mọi biện pháp để vơ vét tài sản từ quốc khố.
Vì quá sủng ái Hòa Thân, vào năm 1788, trong 3.000 vạn lạng bạc tiền thu thuế, Càn Long đã để Hòa Thân tự do chi phí cho mọi hoạt động của triều đình. Trong lần này, với tài biến hóa sổ sách, Hòa Thân đã đút túi không dưới vài vạn lạng. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại "bị hút" về phủ Hòa Thân.
Do đó, dân gian lưu truyền câu nói nổi tiếng: "Thứ Càn Long có, Hòa Thân có, thứ Càn Long không có, chưa chắc Hòa Thân đã không có". Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố Nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
Nhưng khối tài sản khổng lồ đó cũng không thể cứu được mạng của Hòa Thân. Những vụ tham ô của Hòa Thân dần hé mở khi vua Càn Long thoái vị tháng 1/1796.
Tuy nhiên, Càn Long vẫn tiếp tục nắm thực quyền điều hành đất nước trong vai trò Thái thượng hoàng. Do đó, phải đến sau khi Càn Long qua đời vào ngày 7/2/1799, Hoàng đế Gia Khánh mới có thể truy cứu Hòa Thân.
Ngày 12/2/1799, Hòa Thân bị bắt. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên, sau đó Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn mà bắt ông tự vẫn tại phủ và tha chết cho gia đình Hòa Thân.