Cuộc chiến giữa các thế hệ tại châu Âu

Trong những năm gần đây, kim tự tháp dân số tại các nước châu Âu đang nhanh chóng đảo ngược, và cuộc chiến giữa các thế hệ dần trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Cuộc chiến giữa các thế hệ tại châu Âu

Pháp, cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, đang phải đối mặt với thực tế là số người già ngày càng tăng, trong khi dân số có xu hướng giảm. Đơn cử là trường hợp của Pháp. Theo các chuyên gia dân số, vào năm 2040, cứ 3 người Pháp sẽ có 1 người trên 60 tuổi, tăng gần 2 lần so với tỷ lệ 5/1 như hiện nay.

Nguyên nhân của hiện tượng này là sự bùng nổ sinh đẻ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, khiến số lượng người sắp đến tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng trong thời điểm hiện tại, và đi kèm với nó là sự gia tăng các khoản tài chính khổng lồ để trả lương hưu.

Điều này dẫn đến nghịch lý là các chính phủ từng gấp rút bỏ tiền cho các chế độ phúc lợi dành cho người cao tuổi trong thời đại công nghiệp hóa, giờ lại có xu hướng cắt giảm trợ cấp.

Một số quốc gia khác kéo dài thời gian làm việc cần thiết để đạt được đầy đủ tỷ lệ lương hưu theo quy định, ví dụ chính phủ các nước như CHLB Đức, Thụy Điển và Tây Ban Nha đã tăng tuổi nghỉ hưu lên 65.

Tuy nhiên, các quyết sách này lại gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ở Anh, một số bộ trưởng đã từ chức để tỏ thái độ phản đối sự cắt giảm trong chế độ hưu trí, trong khi nhiều nghiệp đoàn ở Pháp tổ chức những cuộc tổng bãi công quy mô lớn.

Tuy nhiên, đây không phải là khía cạnh trầm trọng nhất của vấn đề.

Cuộc chiến lá phiếu

Theo chuyên gia kinh tế - lịch sử Harold James từ Đại học Princeton, một cuộc chiến giữa các thế hệ dân số chứ không phải giai cấp, đang nổi lên ngay trong lòng châu Âu.

Cuộc chiến này diễn ra chủ yếu ở các thùng phiếu, khi những người cao tuổi giành chiến thắng trong bầu cử, và lớp người trẻ bị đẩy về phía sau, tạo nên một “chế độ chính trị lão làng” (gerontocratic) do những người lớn tuổi nắm giữ.

Trong khi đó, lợi ích của dân chúng lại nằm trong ngân sách quốc gia, trong sự cân bằng giữa giáo dục, hưu trí, chăm sóc sức khỏe và các chế độ thuế. Những khía cạnh này, đối với hai thế hệ già và trẻ, đều rất khác nhau.

Sự mâu thuẫn này đang dần phá vỡ những thỏa thuận ngầm giữa các thế hệ bấy lâu nay củng cố sự ổn định xã hội và chính trị tại châu Âu.

Người trẻ châu Âu biểu tình đòi cải cách chế độ bầu cử. Ảnh: Debating Europe
Người trẻ châu Âu biểu tình đòi cải cách chế độ bầu cử. Ảnh: Debating Europe

Hậu quả khó lường

Theo chuyên gia kinh tế Arthur Pigou, bằng cách nào đó, nhà nước sẽ bảo vệ các thế hệ kế tiếp bằng những khế ước xã hội. Nhưng quan điểm này gần như là mộng tưởng, vì chính phủ sẽ lấy động cơ gì để ủy thác quá nhiều phí tổn từ những “người đang sống” cho những người “chưa xuất hiện”?

Chính vì thế, sự tập trung vào thế hệ già cỗi đang tạo nên nhiều hệ quả sâu rộng. Tác động này thật sự trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh dịch chuyển lao động, nơi những người trẻ thất bại trong cuộc đua chính trị có thể tận dụng một thứ vũ khí khác của họ: sức lao động.

Tại các nước đang bị chi phối bởi “nền chính trị lão làng”, lớp người trẻ thường cố gắng rời bỏ càng nhanh càng tốt. Ở nhiều quốc gia - đặc biệt là vùng Địa Trung Hải - số người trẻ thất nghiệp đã đến mức kỷ lục, do sự kết hợp thiếu hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô và thị trường lao động.

Và bởi vì họ chính là những người được nhận trợ cấp giáo dục gần như toàn diện. Việc họ ra đi chính là sự tổn thất lớn về mặt nhân lực, vốn có thể được sử dụng để chi trả cho hưu trí. Nói cách khác, họ để lại đằng sau một gánh nặng nợ nần khó trả hơn nhiều cho một tương lai mà họ sẽ vắng mặt.

Trầm trọng hơn, xu hướng này còn được thúc đẩy bởi tình trạng kinh tế hiện tại. Vào giữa thế kỷ XX, mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cho thấy mỗi thế hệ sẽ có một tương lai tốt hơn. Ngày nay, tình trạng bất ổn lan rộng và những dự báo về tình trạng trì trệ lại báo trước một tương lai u ám hơn cho thế hệ kế tiếp.

Giải pháp cho tương lai

Để giải quyết tình trạng trên, các quốc gia châu Âu cần đưa ra chính sách đãi ngộ tốt hơn cho lớp trẻ, như những gì Ireland đã làm được trong những năm cuối thế kỷ XX. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã khiến nhiều công nhân lành nghề từng rời đi vào năm 1980 trở lại, và thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn nữa.

Tuy nhiên, để một sự đảo ngược như vậy xảy ra, các quốc gia phải trở nên cởi mở hơn và sáng tạo hơn – một thay đổi không dễ gì thực hiện được, đặc biệt khi chế độ chính trị đang bị kiểm soát bởi những người lớn tuổi.

Theo chuyên gia Harold James, tình trạng nóng lên toàn cầu chính là minh họa rõ ràng nhất về việc tầng lớp lãnh đạo trung niên đưa ra quyết định mà không quan tâm đến lớp trẻ - những người sẽ trực tiếp thực thi các chính sách của họ.

Trong khi mức độ thiệt hại không thể được tính toán một cách chi tiết, chính phủ các nước vẫn có thể cải thiện tình hình bằng cách đầu tư trên bình diện toàn cầu ngay trong ngày hôm nay.

Tuy nhiên, nhiều nước vẫn cho thấy họ không sẵn sàng làm vậy. Đến thời điểm cần phải có sự điều chỉnh cần thiết, đó sẽ là vấn đề của thế hệ kế tiếp, và những người này sẽ phải chịu nhiều thiệt hại hơn để xử lý vấn đề.

Theo cách luận giải này, các thế hệ hiện tại đang áp đặt một loại thuế đánh vào thế hệ tiếp theo, những người sẽ thiếu hụt nghiêm trọng các cơ hội cuộc sống.

Một số nhà quan sát thậm chí còn mô tả thế hệ hiện tại đang thuộc địa hóa thế hệ tương lai. Họ, cũng như thực dân châu Âu trong quá khứ, đang phổ biến giá trị của mình lên khắp thế giới và để lại phía sau những mảnh đất hoang tàn vì kiệt quệ.

Với nền văn hóa lấy bản thân làm trung tâm như ở các quốc gia châu Âu, rất khó để mong đợi mọi người có thể đặt lợi ích của thế hệ tương lai lên hàng đầu.

Tuy nhiên sẽ không thể giải quyết được vấn đề nếu không nhận ra nó. Những người trẻ đã nhìn ra điều này.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Trái ổi

Truyện ngắn: Trái ổi

GD&TĐ - Tiếng thắng gấp cháy bánh của chiếc xe máy ở phía sau, ông Mạnh vội quay nhìn. Một đôi nam nữ ngồi trên xe SH màu trắng tinh, quay ngang.
Tranh minh họa vua Trần Dụ Tông đi chơi bị trộm mất ấn tín và gươm báu.

Chuyện những ông vua chạm mặt trộm, cướp

GD&TĐ - Trong lịch sử phong kiến nước Việt, một số vị vua từng gặp trộm, cướp vào ban đêm và được chính sử ghi chép, để lại những câu chuyện 'dở khóc, dở cười'.
Đoàn cựu TNXP Thanh Hóa chụp hình kỷ niệm ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Niềm tự hào thức dậy

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa tổ chức cho hội viên một chuyến về nguồn.