Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cáo buộc Trung Quốc truyền thông sai lệch về đại dịch Covid-19. Đồng thời, một số nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi đưa Trung Quốc vào vòng cách ly quốc tế. Chiến dịch này nhằm mục đích làm mất uy tín của Trung Quốc, đặc biệt là phương pháp chống dịch của nước này đang được phổ biến ở một số quốc gia. Để bảo vệ uy tín của mình, Bắc Kinh tỏ ra hào phóng viện trợ các thiết bị y tế và cử các nhà virus học đến hơn 10 quốc gia ở châu Âu và châu Á.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lập luận rằng, bằng cách che giấu thông tin về sự khởi đầu của dịch bệnh, Bắc Kinh đã mở đường cho Covid-19 lan nhanh khắp toàn cầu. Theo ông Trump, Trung Quốc đang bịa đặt tin tức giả mạo về virus. Quốc hội Mỹ còn đi xa hơn. Họ đưa ra các dự luật lên án kiểm duyệt ở Trung Quốc, thậm chí, Thượng nghị sĩ Tom Cotton còn kêu gọi “cách ly Trung Quốc khỏi thế giới văn minh”.
Không chỉ người Mỹ bày tỏ nghi ngờ về tính xác thực của thông tin mà Bắc Kinh công bố cũng như những thành công của họ trong cuộc chiến chống Coronavirus, trả lời phỏng vấn tờ Spiegel, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cảnh báo: Mọi câu chuyện đến từ Bắc Kinh không thể tin tưởng được.
Ngoài ra, hai cơ quan tình báo của Anh (MI 5 và MI 6) đã phản đối việc cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại Anh. Theo các cơ quan này, mở cửa cho Huawei có nghĩa là cho phép các điệp viên Trung Quốc ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản chấp nhận chi khoảng 2 tỷ USD để khuyến khích các công ty Nhật Bản rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Những lời buộc tội Trung Quốc của Washington đã chạm đến trái tim của các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa. Matteo Salvini, một chính trị gia người Ý cánh hữu đã chế giễu sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Ý, thậm chí còn cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã chế ra Coronavirus trong phòng thí nghiệm của họ.
Bắc Kinh quyết liệt chống lại các cuộc tấn công cả trên phương tiện truyền thông và trong lĩnh vực quyền lực mềm. Trung Quốc tích cực cung cấp cho các đối tác ở phương Tây cũng như ở châu Á và châu Mỹ Latinh các thiết bị y tế và các chuyên gia, sẵn sàng giúp các nước ngăn chặn mầm bệnh.
Vào tháng 3/2020, sáu bác sĩ Trung Quốc đã được Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic và các thành viên nội các đến tận chân cầu thang máy bay đón tiếp. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên ông Vucic hôn lên lá cờ của Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã và đang sử dụng “ánh đèn flash” của Covid-19 để phục vụ lợi ích quốc gia của họ.
Ngoài Serbia và Ý, Campuchia, Iran, Iraq, Lào, Pakistan và Venezuela cũng nhận được hỗ trợ từ Bắc Kinh. Nhưng theo Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Trung Quốc, thiết bị y tế và thuốc của nước này đã được gửi đến khoảng 90 quốc gia. Ngay cả các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng không phủ nhận rằng vấn đề nhân đạo - thuần hóa Coronavirus - có liên quan chặt chẽ đến sự cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thế mới biết, cuộc chiến địa chính trị giữa các siêu cường không chỉ giành giật bằng súng đạn, ngoại giao… nó bắt đầu từ những việc tưởng như rất nhỏ - nhường nhau cái khẩu trang chống dịch.