Cuộc chiến công nghệ

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký sắc lệnh dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2024 hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký sắc lệnh dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2024 hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao như AI, chất bán dẫn và máy tính lượng tử, đẩy căng thẳng Mỹ - Trung lên một cấp độ mới.

Sắc lệnh ban hành hôm 10/8 cấm công dân Mỹ thực hiện một số giao dịch nhất định liên quan đến chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Theo sắc lệnh, các công dân Mỹ cũng được yêu cầu phải thông báo cho Bộ Tài chính Mỹ khi thực hiện các giao dịch trong những lĩnh vực trên với đối tác Trung Quốc.

Sắc lệnh hành pháp này của Tổng thống Mỹ vốn được giới chính trị gia nước này chờ đợi từ lâu. Tổng thống Biden cũng đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” nhằm đối phó với các quốc gia mà ông cho là “đáng lo ngại” đang phát triển nhanh chóng các công nghệ nhạy cảm có thể đe dọa an ninh của Mỹ. Trung Quốc đại lục cùng với Hồng Kông và Macao được nêu đích danh trong khuôn khổ sắc lệnh nói trên.

Sắc lệnh mới của ông Biden sẽ được Bộ Tài chính Mỹ thực hiện với sự tham vấn của các cơ quan khác bao gồm cả Bộ Thương mại. Khi được đưa vào thực thi vào đầu năm tới, sắc lệnh này sẽ cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của nước này vào các thực thể Trung Quốc trong 3 lĩnh vực công nghệ cao bao gồm linh kiện bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Thêm vào đó, sắc lệnh cũng sẽ cấm một số giao dịch và yêu cầu các nhà đầu tư thông báo cho chính phủ về kế hoạch đối với những giao dịch khác với đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cũng nêu rõ các quy định sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai chứ không phải các khoản đang thực thi hiện nay.

Tâm điểm và mục tiêu của sắc lệnh trên là nhằm ngăn chặn dòng vốn và chuyên môn của Mỹ có thể giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ có khả năng hỗ trợ hiện đại hóa quân đội và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, nó sẽ tập trung tới các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc đang phát triển phần mềm để thiết kế chip máy tính và các công cụ để sản xuất chúng.

Các nước Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đang thống trị các lĩnh vực trên, nên động thái mới của Washington càng hối thúc Chính phủ Trung Quốc phải nỗ lực hơn trong xây dựng các giải pháp thay thế trong nước. Diễn biến mới nói trên cũng không phải là điều bất ngờ vì mối quan hệ Mỹ - Trung vốn chứng kiến căng thẳng về cả quan hệ thương mại lẫn chính trị trong suốt thời gian vừa qua.

Chưa cần chính thức đi vào thực thi vào năm tới, sắc lệnh mới của Mỹ cũng đang gây thêm căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lần lượt các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Washington.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington bày tỏ sự “thất vọng” khi cho biết Nhà Trắng đã không chú ý đến việc Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này.

Người phát ngôn của Trung Quốc khẳng định hiện có hơn 70.000 công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc và các hạn chế trên sẽ chỉ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Mỹ.

Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia, chứ không phải chia cắt nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau một cách cao độ của hai nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ