Phụ huynh tranh thủ ra sớm
Mặc dù ngày 19/2 (tức 10/1 âm lịch), anh Nguyễn Văn Bản (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đi làm trở lại nhưng vì lịch học của con rơi vào 15/2 (tức 6/1 âm lịch) nên ngày 13/2 cả gia đình anh Bản đã rời quê, quay lại thành phố.
Anh chia sẻ: “Vợ chồng tôi quyết trở lại sớm hơn một ngày để con được nghỉ ngơi sau khi di chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội gần 8 giờ đồng hồ. Đồng thời, chúng tôi muốn con tranh thủ khởi động việc học, xem lại thời khoá biểu cho buổi học đầu tiên”.
Anh Bản chia sẻ thêm, nghỉ dài, nhiều thói quen sinh hoạt, giờ giấc bị thay đổi bởi vậy để con trẻ sớm thích ứng lại với giờ giấc cần có sự đồng hành của cha mẹ trong tuần đầu con trở lại trường sau Tết.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mai Thuý (Long Biên, Hà Nội) đã từ tỉnh Thái Bình trở lại Hà Nội vào ngày 14/2. Chị Thuý cho hay, năm nay lịch nghỉ của các con không dài vì vậy, từ mùng 3 Tết mặc dù ở quê nhưng chị đã bắt đầu yêu cầu các con trở quay trở lại với giờ giấc sinh hoạt trước Tết để con không bị động hay mãi chơi hết kỷ nghỉ vẫn còn "vương vấn".
Chị Thuý chia sẻ: “Hôm nay sau khi trở lại thủ đô, tôi đã yêu cầu con mình tự sắp lại quần áo, xem thời khoá biểu và bắt đầu khai bút đầu năm. Tối nay, tôi sẽ cùng con chuẩn bị bài học mới để ngày mai đến lớp. Khi mình có thái độ nghiêm túc, con sẽ bắt đầu theo nhịp học tập nề nếp trước đó”.
Học sinh Hà Nội ôn bài chuẩn bị cho ngày đầu tiên đến trường. Ảnh NVCC. |
Nhắc trò đến trường
Ngày mai (15/2 tức 6/1 âm lịch) học sinh Hà Nội bắt đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Để nhắc học sinh của mình đến trường đúng giờ, cô Phạm Hương Giang, giáo viên Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội) đã trực tiếp nhắn vào nhóm zalo của lớp nhắc nhở phụ huynh về lịch trở lại trường của con.
Theo cô Giang, kỳ nghỉ Tết thường làm tâm lý học sinh hài lòng với những món quà, đồ ăn ngon và những hoạt động liên quan đến Tết. Do vậy hết kỳ nghỉ, nhiều em có cảm giác tiếc nuối, hẫng hụt, trống rỗng khi quay trở lại với việc học hành, làm bài tập hàng ngày.
Bên cạnh đó, các kỹ năng, thói quen học tập trước đó cũng bị sao nhãng, không còn nề nếp như trước đây là điều dễ hiểu. Để chuyển từ trạng thái “ăn Tết” sang trạng thái “đi học”, các em cần một khoảng thời gian thích ứng lại.
Theo đó, ngay khi quay trở lại trường, tôi thường tránh ra những bài tập khó, thiếu tính truyền cảm hứng; không phàn nàn, kêu ca học sinh về nề nếp, thói quen học tập. Thay vào đó, tôi ưu tiên lựa chọn các bài tập dựa trên năng lực, sở thích của trò để khơi gợi lại hứng thú học tập cho các em. Đối với những em nào có tâm lý lười học, chán, tôi phối hợp với phụ huynh động viên, chia sẻ giúp các con sớm đi vào nếp.
Cô Phạm Hương Giang, giáo viên Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội) đã trực tiếp nhắn vào nhóm zalo của lớp nhắc nhở phụ huynh về lịch trở lại trường của con. Ảnh NVCC. |
“Với lớp chủ nhiệm, tôi sẽ nghe học sinh chia sẻ kỷ niệm của các em trong ngày Tết, các hoạt động của trò trong thời gian nghỉ Tết và mừng tuổi cho các em. Tôi cũng khuyến khích học trò sử dụng khoản tiền mừng tuổi vào các hoạt động như nuôi heo đất giúp đỡ các bạn học sinh nghèo, mua dụng cụ học tập….”.
Được biết sau khi học sinh trở lại trường trong ngày đầu tiên, Trường Tiểu học Thành Công A tổ chức hoạt động chào đón học sinh đi học trở lại trong ngày đầu năm, nhằm “khởi động” lại hoạt động học tập. Trong đó có văn nghệ hái lộc đầu xuân, tham gia trò chơi đố vui có thưởng, nghe Hiệu trưởng chúc Tết, lì xì. Bên cạnh đó tại các lớp, giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động đầu năm trước khi bước vào những tiết học đầu tiên.
Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội) đã sẵn sàng để đón học sinh trở lại trường sau một thời gian nghỉ Tết dài. Cô Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước khi học sinh trở lại trường, chúng tôi đã gửi thông báo đến cha mẹ học sinh lịch trở lại trường thông qua website, fanpage, giáo viên chủ nhiệm gửi thông tin qua nhóm lớp để phụ huynh nắm được kế hoạch học tập, tránh tình trạng giã đám sau kỳ nghỉ dài”.
Do kỳ nghỉ dài vì vậy để các hoạt động học tập, sinh hoạt bán trú tại trường được đảm bảo nhà trường đã kiểm tra chuẩn bị cơ sở vật, chuẩn bị thực đơn ăn bán trú, kiểm tra nguồn thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh để tổ chức nấu ăn bán trú.
“Ngày trở lại trường không phải đầu tuần, vì vậy Ban giám hiệu sẻ chia nhau đến các lớp chúc Tết học, mừng tuổi, động viên học trò”, cô Liễu cho biết.