Vào thời cổ đại, sau khi hoàng đế băng hà, thường có một nhóm người được phái đến làm nhiệm vụ "thủ lăng" hay còn gọi là trông coi lăng mộ.
Những người này ngoại trừ quan quân bảo vệ, còn có những cung nữ, phi tần thất sủng, ngày thường không được hoàng đế đoái hoài. Họ bị đưa đến để chăm sóc, dọn dẹp lăng mộ, sống cuộc sống hiu quạnh, lạnh lẽo đến cuối đời, chỉ có chết mới được rời khỏi đây.
Tục lệ "thủ lăng" thực sự bắt nguồn từ thời Tây Hán. Sử sách ghi chép lại, khi còn sống Lưu Bang là một người người háo sắc, lúc nào cũng có mỹ nhân bên cạnh.
Sau khi Lưu Bang băng hà, Lữ Hậu ghen tị, không muốn nhìn thấy dàn hậu cung của Lưu Bang, liền sắp xếp một số cung nữ, phi tần đã từng hầu hạ Lưu Bang đi "thủ lăng" cho tiên đế.
Từ đó về sau mở ra tiền lệ, ngoài hoàng đế, khi thái hậu hoặc hoàng hậu băng hà, đều sẽ có một số lượng cung nữ nhất định được sắp xếp đi "thủ lăng".
Thời Đông Hán, sau khi hoàng đế băng hà, những cung tần, phi tử không có con với hoàng đế đều phải đến lăng mộ để giữ trọn đạo vợ chồng. Những cung nữ, phi tần này được gọi là "chư viên quý nhân".
Mặt khác, có một số hoàng đế khi sinh thời rất thích hưởng thụ nữ sắc, sau khi mất đi cũng hy vọng tiếp tục được các mỹ nhân hầu hạ, phục vụ. Điển hình như Tào Tháo, trước khi chết tưng lập di chúc, mệnh lệnh sau cùng là tất cả những cung tần, phi tử, sau khi ông mất đi, phải định kỳ tới lăng mộ của ông để nhảy múa, đàn hát.
Theo di chúc của Tào Tháo, sau khi ông chết đi, những cung tần, phi tử của ông ngày ngày đều phải trang điểm đẹp, ăn mặt lộng lẫy, ca múa trước lăng mộ. Ngày qua ngày, họ sống trong cô độc, không có tương lai, biết lúc nào sẽ kết thúc kiếp sống nhạt nhẽo, quạnh quẽ này.
Cũng chính vì vậy, rất nhiều cung nữ, phi tần vô cùng sợ hãi khi bị lọt vào danh sách đi "thủ lăng". Có người còn nguyện chết để không phải làm công việc vừa đáng sợ vừa dày vò này.
Rất nhiều nhà thơ thời nhà Đường đau xót cho thân phận của những cung tần, phi tử này và những bất công mà họ phải chịu đựng. Họ viết thành những áng thơ nổi tiếng, thay các cung tần, phi tử nói lên nỗi lòng.