Cùng học sinh, giáo viên vượt qua đại dịch

GD&TĐ - Nhiều học sinh, giáo viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài. Để việc dạy và học không bị gián đoạn, ngành Giáo dục Thủ đô đã có những hoạt động ý nghĩa, hỗ trợ giáo viên, học sinh.

Cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (bên trái) tiếp nhận quà của nhà hảo tâm 
để hỗ trợ cho gia đình học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (bên trái) tiếp nhận quà của nhà hảo tâm để hỗ trợ cho gia đình học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Hỗ trợ kịp thời

Cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng) cho biết: Trong đợt dịch Covid-19 kéo dài (từ tháng 4/2021), nhà trường đã huy động lương thực, thực phẩm với giá trị tương đương 76 triệu đồng. Ngoài việc trao tận tay các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn phường, trường cũng hỗ trợ cho 50 học sinh, 6 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đây không phải lần đầu nhà trường triển khai hỗ trợ giáo viên, nhân viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch mà năm 2020 đã triển khai hiệu quả hoạt động này. Do đó, tới nay không ít phụ huynh thấy được ý nghĩa của hoạt động này nên đã chung tay, tiếp sức bằng vật chất để nhà trường tiếp tục triển khai.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới đời sống vật chất của giáo viên, nhân viên, học sinh và khiến cho việc dạy và học không thể diễn ra bình thường. Nhiều địa phương, nhà trường việc dạy học phải chuyển sang hình thức trực tuyến để bảo đảm học sinh tạm ngừng tới trường nhưng không ngừng việc học.

Tuy nhiên, dạy học trực tuyến đòi hỏi học sinh có đủ thiết bị học tập. Điều này trở thành gánh nặng với gia đình khó khăn, cùng lúc có nhiều con trong độ tuổi đến trường. Em Nguyễn Thị Quỳnh Nga, học sinh lớp 7D Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ) là một trong những trường hợp có hoàn cảnh như vậy.

Nga cho biết: Bố mất vì tai nạn năm 2017, mẹ làm đủ nghề nuôi 3 chị em ăn học. Dịch Covid-19 bùng phát, mẹ không thể đi làm nên không có thu nhập. Cả nhà có 1 điện thoại di động có thể học trực tuyến nhưng cả Nga và em gái lớp 4 đều phải sử dụng. Do đó 2 chị em phải luân phiên học trên máy, các buổi học trùng thời gian đành chấp nhận buổi học buổi nghỉ.

“Điều em mong ước lớn nhất là được hỗ trợ thiết bị học tập để việc học của 2 chị em diễn ra thường xuyên, không bị ảnh hưởng tới quá trình học tập…” – Nga tâm sự.

Tiếp bước cho học trò, Trường THCS Đông Sơn đã lập danh sách 32 HS thuộc diện nghèo, khó khăn không có hoặc đang phải học chung, học nhờ thiết bị để huy động ủng hộ từ giáo viên trong trường, các tổ chức xã hội, cá nhân nhà hảo tâm, phụ huynh... Theo cô Tô Thị Bích Liên – Hiệu trưởng nhà trường, cuối tháng 9, nhà trường sẽ phân chia, ủng hộ kinh phí để hỗ trợ học sinh mua thiết bị học tập.

Cô Lê Thị Tuyết Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm) cho biết, ngay khi thực hiện dạy học trực tuyến, trường đã thống kê số học sinh khó khăn và được biết có 2 em không có thiết bị học tập, phải học nhờ, học chung...

Đó là em Nguyễn Hoàng Anh lớp 1B, bố chạy xe ôm, mẹ làm lao công nên thất nghiệp trong đợt dịch. Gia đình có 3 anh em, phải học chung 1 máy điện thoại. Ngoài ra còn học sinh nữ lớp 3E đang ở với ông bà. Nhà trường đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ phương tiện học tập cho 2 học sinh này. Theo đó, mỗi em được tặng 1 máy điện thoại thông minh trị giá hơn 2 triệu đồng.

Đại diện lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội trao thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: IT
Đại diện lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội trao thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: IT

Cùng nhau vượt qua đại dịch

Trước diễn biến phức tạp kéo dài của dịch Covid-19, khiến đời sống của giáo viên, học sinh gặp khó khăn, nhiều em không có phương tiện cần thiết để tham gia học trực tuyến. Vì vậy, sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà trường hay tổ chức, cá nhân… trở thành động lực để giáo viên, học sinh khắc phục khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Minh – nhân viên bảo vệ Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) bày tỏ cảm động khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường qua nhiều đợt khi dịch Covid-19 hoành hành. “Món quà vật chất (10kg gạo, 2 triệu đồng) dù không quá lớn nhưng thể hiện sự quan tâm, tinh thần “tương thân tương ai” của cán bộ, giáo viên, phụ huynh đối với những hoàn cảnh khó khăn như tôi…”, cô Minh bày tỏ.

Dù vẫn phải dùng chung thiết bị với em nhưng học sinh Nguyễn Thị Quỳnh Nga, lớp 7D Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi biết mình nằm trong danh sách được nhà trường hỗ trợ thiết bị học tập. “Khi có thiết bị việc học của em sẽ chủ động, không phải học luân phiên. Em sẽ cố gắng học tốt để xứng đáng với sự hỗ trợ của nhà trường…”, Nga chia sẻ.

Chị Võ Thu Thủy - Phụ huynh lớp 9A2 - Trường THCS Lương Yên, người ủng hộ 1 tấn gạo cùng nhà trường để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường và giáo viên, nhân viên và gia đình học sinh gặp khó khăn chia sẻ: Ở thời điểm khó khăn như hiện nay, đời sống nhà giáo, nhân viên, và nhiều gia đình học sinh bị ảnh hưởng. Học sinh có bố mẹ làm nghề tự do ở nhà thực hiện giãn cách nên không có thu nhập, kéo theo đời sống của học sinh thiếu thốn, ảnh hưởng. Một số em không có thiết bị học tập, phải học chung học nhờ với bạn...

“Cuộc sống của tôi và nhiều phụ huynh học sinh khác đầy đủ hơn là một may mắn. Do đó tôi thấy mình cần có trách nhiệm hỗ trợ xã hội, nhà trường, thầy cô, gia đình học sinh khó khăn hơn mình. Điều đó đồng nghĩa góp phần đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh, giáo viên và học sinh không ai vì dịch bệnh bị ở lại phía sau…”, chị Thủy bộc bạch.

Sự quan tâm của Ban giám hiệu, Công đoàn trường chung tay hỗ trợ những giáo viên, học sinh thời điểm dịch Covid-19 vô cùng cần thiết. Hơn thế, cần ưu tiên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em được học tập đầy đủ trong bất kỳ hoàn cảnh nào… - Cô Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm - Hà Nội) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto

Italia cảnh báo ông Zelensky

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto đã cảnh báo Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky chống lại cuộc phản công năm 2023.
Minh họa/INT

Ngộ độc từ bánh mì

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.