Triển lãm “Thu phong” diễn ra tại không gian nghệ thuật Hakio - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) đến hết ngày 15/10 với những tác phẩm tuyệt đẹp, không chỉ là nỗi niềm mà còn tình yêu mùa thu.
Hoạ sĩ Đào Hải Phong. |
Họa sĩ Đào Hải Phong yêu mùa thu và hoài niệm thu đến ám ảnh. Anh gửi gắm nỗi niềm vào tranh, biến những ký ức hiện thực trở thành bình yên đến phi lý.
Thu là mùa giao giữa hạ sang đông nên ngầm ngập sắc thu là sự dịch chuyển của khắc khoải, của trăn trở như luyến tiếc. Thiên nhiên chuyển mình, tạm biệt mùa hạ sôi động để dần chìm vào mùa đông u hoài.
Thu của Đào Hải Phong là như vậy, nhưng mênh mang bảng lảng tựa giấc mơ. Những mảng tơ trời vấn vương như lụa, ánh trăng bàng bạc biếc trên mái nhà nóc phố.
Đó là đêm thu với ánh sáng ấm áp từ khung cửa sổ của nếp nhà nhỏ dưới vòm cây yên ả. Bên trong tổ ấm đó, chúng ta có thể cuộn tròn thong thả nghe thu chuyển mình. Đó là chiều thu với mặt sông loáng nước bóng con thuyền neo trên bến bình yên.
Đôi khi, chúng ta vì mải nhìn ra thế giới mà có thể quên mất rằng, dù phong phú hay rất đỗi bình dị thì phía sau nhà ta, bên trong nhà ta luôn là điều tuyệt vời đẹp đẽ nhất, đúng như Đào Hải Phong từng nói: “Hội họa của tôi chỉ nhắc lại rằng phía sau nhà bạn rất đẹp”.
Năm 2019, cuộc triển lãm “Lối phong” tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc – Hà Nội, Việt Nam đã mang lại tin vui khi một trong những tác phẩm của Đào Hải Phong đã thuộc về bộ sưu tập của bà Hillary Clinton.
Đào Hải Phong là một trong số ít nghệ sĩ có tranh bị chép nhiều nhất ở Việt Nam. Trong khi những tác phẩm gốc hầu hết lại bán ra nước ngoài.
Ông bày tỏ về vấn đề nhức nhối đó với quan điểm rất nhân văn: “Tôi cũng hiểu rằng, hình thức mỹ thuật của tôi đã gây một ấn tượng mạnh nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sở hữu tranh gốc, do đó có thể chép trong trường hợp chọn kích thước nhỏ hơn và ghi chú rõ là tranh chép.
Tôi cũng biết có họa sĩ trẻ từng đến gặp tôi và nói rằng, anh ta đã chép tranh của tôi bán lấy tiền trong thời gian chờ vợ sinh con. Hoặc một trường hợp khác, nhà điêu khắc người Mỹ tên là Barton Rubenstein đã gửi thư nói về việc ông ta mua một bức tranh chép của tôi.
Là một người làm nghệ thuật có nhiều thành công trong sự nghiệp của mình, ông ấy đã có một cái nhìn rất rộng lượng khi viết cho tôi rằng, cậu sinh viên học Mỹ thuật của Việt Nam - người mà chép tranh của tôi, đã chết rồi, cho nên tôi hãy vui, vì khi cậu ta chết đi, cậu ta đã mang theo cả cái hình ảnh hội họa của tôi trong tâm trí cậu ta.
Một người nghệ sĩ, đạt được điều ấy rồi thì nhìn nhận việc sao chép cũng sẽ bao dung và vị tha hơn. Chuyện ấy khiến tôi tin rằng: Nghệ thuật là làm cho mình tự hoàn thiện. Đậm nhạt trong một bức tranh rất quan trọng để làm cho bức tranh có chiều sâu và sự hấp dẫn.
Nhưng quan trọng hơn, đậm nhạt trong nghệ thuật cũng là đậm nhạt trong đời sống, anh có đời sống giàu có bao nhiêu thì tranh của anh sẽ có sức nặng bấy nhiêu”.
Năm nay 2023, với cuộc trưng bày tại TPHCM, lần đầu tiên khán giả yêu nghệ thuật sẽ được thưởng lãm cùng lúc một số lượng khá nhiều những tác phẩm tranh về mùa thu của Đào Hải Phong.
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức nhận định: “Cây phong (maple) đặc trưng của vùng New England nước Mỹ vào mùa thu sắc lá không chỉ vàng mà muôn màu kỳ ảo… Cái cảm giác thu mênh mông ấy hôm nay lại trở về song gần gụi hơn, êm đềm và ngọt ngào hơn khi được ngắm loạt tranh “Thu phong” của Đào Hải Phong.
Sắc màu trong tranh đang cất lên tiếng nói khi thì tha thiết, lúc lại dịu dàng. Cây vàng, cây đỏ, cây tím, cây xanh… như trong “rừng thu từng biếc chen hồng” cũng muôn màu kỳ ảo dù trên phố xá Hà Nội thân quen hay một vùng có núi, có sông yên ả.
Và náu mình dưới bóng cây là những nếp nhà lặng lẽ, chở che những con người đang mơ mộng, xa xa ngoài bến sông neo một con thuyền dường như chưa tỉnh giấc. Như thể cõi tranh của Đào Hải Phong luôn dẫn dụ ta vào những giấc mơ lạ lùng - giấc mơ của những vì sao.