Cùng hành động để thay đổi thế giới

GD&TĐ - Năm nay, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” được phát động và tổ chức trên phạm vi toàn cầu với chủ đề Cùng hành động để thay đổi thế giới. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cấp, bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.      

Đoàn thanh niên góp phần làm sạch môi trường (Internet)
Đoàn thanh niên góp phần làm sạch môi trường (Internet)

Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Chiến dịch là dịp để tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường. Chằng hạn như thu gom, xử lý, tái chế rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hy vọng thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người dân Việt Nam. Những hành động nhỏ, tích cực, ý nghĩa sẽ góp phần quan trọng làm cho môi trường Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung có thay đổi tích cực”.

Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn" do Australia khởi sướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu. Sự kiện thường niên này diễn ra vào tuần thứ 3 của tháng 9. Hiện có hàng trăm triệu người thuộc hơn 130 quốc gia, trong đó có Việt Nam tham gia.

Hưởng ứng chiến dịch, năm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam hướng dẫn các cấp, bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động. Trong đó, tập trung vào các hoạt động phát động trực tuyến. đồng thời, yêu cầu các địa phương căn cứ trên tình hình hiện tại xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch phố phường, địa bàn dân cư.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020, tập trung vào việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuyên truyền về việc từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự, clip tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Đồng thời, cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng các chiến lược, kế hoạch cho bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2020 – 2025.

Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hưởng ứng Chiến dịch “Làm sạch môi trường" năm 2020 sẽ diễn ra một số nội dung chính gồm:

Thứ nhất, tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp được treo băng rôn, pano, áp phích nhằm tuyên truyền chủ đề về Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020”.

Công nhân môi trường thu gom rác thải (Internet)

Công nhân môi trường thu gom rác thải (Internet)

Thứ hai, tổ chức các hoạt động như ra quân vệ sinh môi trường. Thu gom xử lý chất thải, rác thải, giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước…vv.

 Thứ ba, tổ chức phát động hưởng ứng các phong trào như Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon...

 Bên cạnh đó, khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình về bảo vệ môi trường nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Tùy theo thực tế, đơn vị tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng ô nhiễm thuộc trách nhiệm quản lý cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đặc biệt, thông qua Chiến dịch sẽ phát hiện, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, quản lý, giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung nguồn lực hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, đảm bảo môi trường là một trong ba trụ cột phát triển.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.