Vượt qua rào cản tâm lý
Đang sống trong môi trường gia đình, với người thân quen, đến một ngày trẻ phải đi lớp. Đây thực sự là cú sốc lớn. Không người quen, sinh hoạt trong môi trường lạ với các quy tắc về giờ giấc, ăn, ngủ, vui chơi… khiến nhiều trẻ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý ở mức độ khác nhau.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng), lo lắng, sợ hãi khi thay đổi môi trường sống là điều bình thường ở bất cứ trẻ nào. Thậm chí nó cũng có thể xảy ra với trẻ vào lớp 1, trẻ chuyển cấp và cả người lớn khi thay đổi môi trường làm việc, nơi sống. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để trẻ nhanh chóng làm quen với môi trường mới.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, với trẻ đi mẫu giáo, cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tâm lý. Trước hết, cha mẹ phải xác định rõ việc đi học là điều không thể dừng nhằm tránh tình trạng chần chừ, lấn bấn không biết nên cho con đi lớp hay không, đi rồi lại nghỉ, tạo thói quen xấu cho trẻ.
Hơn nữa, việc xác định rõ mục tiêu sẽ giúp mẹ có định hướng rõ ràng khi tìm trường cho con, cho con làm quen với cô, môi trường học tập mới để tạo sự tin tưởng, có tiếng nói chung giữa phụ huynh với giáo viên. Để con không bị bỡ ngỡ, ngoài việc cho trẻ làm quen trước với trường, lớp, thầy cô, thời gian đầu có thể cho trẻ đến lớp 1 tiếng rồi tăng dần lên.
Với trẻ vào lớp 1, cũng cần chuẩn bị tâm lý từ trước. Cho trẻ làm quen trước với môi trường học tập mới là điều nên làm nhưng quan trọng hơn cả là khả năng thích nghi với quy định trong lớp học, cách tổ chức giờ học… không giống như lớp mẫu giáo trẻ từng trải qua.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ, nếu có điều kiện, hãy cho trẻ tham gia chương trình hành trang vào lớp 1 để trẻ được làm quen, trải nghiệm tại môi trường mới, giúp trẻ không còn bỡ ngỡ khi vào học chính thức. Nếu không, khi rảnh rỗi, cha mẹ có thể cho con ra trường mới, cùng tìm hiểu và nói cho con những điều khác biệt, tạo sự thích thú, kích thích trí tò mò của trẻ…
Sức khỏe tốt: Sự khởi đầu thuận lợi
Ngoài việc chuẩn bị về tâm lý, sức khỏe cũng vô cùng quan trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia), dinh dưỡng quan trọng với bất cứ lứa tuổi nào. Do vậy, trẻ từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành đều cần sự quan tâm của cha mẹ đến vấn đề này.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là trẻ ở độ tuổi khác nhau, cần chế độ dinh dưỡng khác. Dinh dưỡng theo lứa tuổi sẽ cung cấp cho trẻ đủ chất cần thiết cho sự phát triển. Điển hình như trẻ mẫu giáo, khẩu phần ăn hàng ngày được chia nhỏ, gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ tinh bột, protein đến hoa quả, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Nhưng khi trẻ vào lớp 1, lúc này cần chế độ dinh dưỡng khác để trẻ có thể tiếp thu bài tốt, đủ sức tham gia các môn học, đặc biệt là thể dục… Bữa ăn của trẻ lúc này gồm 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm chất (tinh bột, béo, rau xanh và protein).
Ngoài ra, nếu có điều kiện bổ sung thêm sữa, bánh cho trẻ trong bữa ăn phụ. Nói vậy để thấy rằng, dinh dưỡng lứa tuổi vô cùng quan trọng. Một chế độ dinh dưỡng không thừa nhưng cũng không thiếu chất sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể lực, trí lực cũng như hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, việc thay đổi môi trường học cũng ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Lúc này, nhiều trẻ có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng. Ép trẻ ăn hay để mặc trẻ đói sẽ phải ăn là câu hỏi, băn khoăn của không ít bậc phụ huynh. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến chỉ rõ: Không nên bỏ mặc trẻ nhưng cũng không ép trẻ ăn. Điều quan trọng nhất lúc này là cha mẹ hãy động viên trẻ để ổn định tâm lý, làm quen với môi trường mới, đồng thời lên thực đơn những món trẻ thích, bữa ăn có nhiều đồ ăn hơn cho trẻ lựa chọn. Trường hợp trẻ ăn ít có thể bổ sung bằng sữa, sản phẩm từ sữa hoặc các loại bánh. Khi trẻ đã quen bạn, quen thầy cô thì tình trạng chán ăn sẽ dần được cải thiện. Bởi vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần bình tĩnh, nhẫn nại và hiểu trẻ.
Một vấn đề quan trọng không kém dinh dưỡng là đề phòng các bệnh phổ biến trong trường học. Sởi, tay chân miệng, thủy đậu, quai bị hay cúm… là bệnh truyền nhiễm, lây qua tiếp xúc trực tiếp nên dễ bùng phát trong môi trường học đường bởi chỉ cần một trẻ mắc bệnh nhưng không được phát hiện, cách ly kịp thời sẽ nhanh chóng lây cho các bạn, khiến trường học trở thành ổ dịch.
Theo dõi sức khỏe con hàng ngày, cho con tiêm phòng… là biện pháp hữu hiệu cha mẹ có thể thực hiện để giữ gìn sức khỏe cho con. Về phía trẻ, hãy dạy con cách giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt ở thời điểm quan trọng (sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn). Đồng thời, nhắc trẻ uống nước thường xuyên và đi tiểu khi buồn để tránh rơi vào tình trạng cơ thể bị thiếu nước hoặc nhịn tiểu quá lâu sẽ… ra quần khiến trẻ xấu hổ với bạn hoặc thường xuyên nhịn tiểu gây bệnh sỏi thận, giãn bàng quang ở tuổi học trò mà các bác sĩ đã cảnh báo bấy lâu.
- So với người trưởng thành, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ rất lớn, trẻ càng nhỏ nhu cầu càng cao. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng đúng phương pháp sẽ là yếu tố quyết định, là tiền đề cho sự khỏe mạnh về thể chất, trí tuệ sau này.
- Nước chiếm tới 60 - 70/100 trọng lượng cơ thể. Nước có nhiều chức năng quan trọng, một trong các chức năng đó là tham gia vào cơ chế điều hoà thân nhiệt. Thiếu nước thì quá trình toả nhiệt giảm đi, thân nhiệt sẽ tăng lên. Vì vậy, cần chú ý bổ sung nước cho trẻ trong khi ăn và ngoài các bữa ăn.