Tạo động lực học tập
Là người có 11 năm kinh nghiệm dạy các lứa học sinh từ lớp 1 bỡ ngỡ đến các bạn lớp 5 đã trưởng thành trong cả suy nghĩ và cảm xúc cá nhân, cô Bích Ngọc chia sẻ rằng: Mỗi lứa tuổi đều có sự khác nhau về tâm sinh lý cũng như nhu cầu học tập. Tuy nhiên, khi dạy các con lớp 1 thì các con rất thích học, thích đọc sách, thích tìm hiểu những kiến thức, giờ học nào các con cũng giơ tay phát biểu rất sôi nổi nhưng khi dạy lên các lớp trên thì lại khác hẳn.
Điều băn khoăn của cô Bích Ngọc là, lẽ ra càng lớn, càng có ý thức thì các con lại càng phải thích học hơn, thích tìm hiểu hơn. Nhưng ngược lại, bố mẹ rất khó khăn trong việc khiến con tự giác học bài. Cô giáo thì khá vất vả trong việc tạo động lực học tập hay khuyến khích các con giơ tay phát biểu bài. Nhất là việc làm thế nào để thúc đẩy động lực học tập cho các con?.
Từ băn khoăn này, cô Bích Ngọc tự đặt mình vào vai trò của một người mẹ để tìm hiểu xem phụ huynh đang mong muốn điều gì ở các thầy cô, ở môi trường giáo dục và tìm cách đưa họ tới gần hơn với các hoạt động dạy và học ở trường.
“Giáo viên hãy khuyến khích phụ huynh tham gia vào các hoạt động của lớp, tìm hiểu về nghề nghiệp, sở trường của phụ huynh và để họ cùng giáo viên tổ chức các hoạt động cho các con. Như vậy phụ huynh sẽ được làm bạn cùng con, hiểu được tâm sinh lý, những mong muốn nguyện vọng của con. Qua đó, giáo viên lắng nghe phụ huynh chia sẻ về những khó khăn, tạo sự gần gũi thân thiện để họ sẵn sàng chia sẻ với mình những khúc mắc trong dạy dỗ con cái. Như vậy, giáo viên thêm hiểu gia đình, tính cách của cả con và các bố mẹ để đưa ra những tư vấn cho bố mẹ trong việc nhìn nhận khả năng của con, định hướng cho con trong những môi trường học tập khác.” – cô Bích Ngọc chia sẻ từ kinh nghiệm của bản thân.
Là một giáo viên chủ nhiệm, cô Bích Ngọc cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh về cách giúp con học tốt qua từng tuần. Từng dạng bài cụ thể cô cũng chia sẻ để bố mẹ có thể hiểu và nắm được yêu cầu học tập của con. Trao đổi về các hoạt động trên lớp để bố mẹ cùng con chuẩn bị những đồ dùng mà cô yêu cầu... Tất cả những việc làm trên đều nhằm mục đích tạo động lực và hứng thú học tập cho các em học sinh.
Cách rèn con tự học
Để con có thể tự học, đầu tiên cha mẹ hãy đặt câu hỏi: Con chúng ta đang học cho bố mẹ hay học cho bản thân chúng?. Trả lời được câu này, bố mẹ chắc chắn đã có thể giúp con tự học.
Nếu chúng ta xác định để con học cho bản thân, bố mẹ hãy động viên con kịp thời, phải nhìn thấy được khả năng của con mình, giỏi chỗ nào, chỗ nào chưa tốt để không miệt thị con, không so sánh con, khen ngợi con khi thấy con tiến bộ so với chính khả năng của bản thân.
Giáo viên cũng cần nêu ra các công việc cụ thể học sinh cần phải làm khi về nhà. Chuẩn bị bài là điều rất nên làm, bên cạnh việc chữa lại bài làm sai, tự luyện tập thêm qua các bài tập hàng ngày. Cô giáo cũng nên hướng dẫn các con cụ thể cách chuẩn bị bài ở nhà thế nào để học tốt bài hôm sau.
Về phía phụ huynh, hãy cho con một giờ nhất định để ngồi vào bàn học, sau đó nên kiểm tra và giúp con tháo gỡ những khó khăn. Trên lớp cách dạy và tổ chức hoạt động của cô giáo cũng sẽ dựa trên nhưng kiến thức mà các con đã chuẩn bị, để khuyến khích và tạo mục đích cho việc tự học của các con ở nhà.
Tự học sẽ giúp các con có thói quen tốt. Khi muốn làm việc gì cần lên kế hoạch về thời gian và nội dung cụ thể. Điều này giúp các con chủ động học những kiến thức trên lớp. Khi học trên lớp con sẽ tự tin hơn, sẽ hào hứng hơn, nhất là khi trao đổi cùng các bạn và thầy cô về những vấn đề mà con chưa giải đáp được khi ở nhà.
Quá trình tự học sẽ giúp học sinh ghi nhớ rất lâu kiến thức. Vì đó chính là những điều chúng muốn biết chứ không phải chỉ là những kiến thức mà sách giáo khoa yêu cầu. Việc ghi nhớ được hình thành trên sự thỏa mãn nhu cầu học hỏi sẽ khiến các con thích thú và hứng khởi, hiệu quả học tập chắc chắn sẽ cao hơn.