Cô vừa ngồi xuống, đã thấy một thanh niên vạm vỡ, săm trổ đầy cánh tay vội vã đi tới, nói với bà khách ngồi ghế cạnh cô: “Phiền bà xuống hàng ghế dưới, cho tôi mượn chỗ này”…
Cuộc gặp bất ngờ
Nhìn dáng vẻ bặm trợn của thanh niên vừa đến gần mình, cô giảo Thủy chợt rùng mình. Cô né thân hình nhỏ bé ngồi sát về phía bên kia và chưa kịp phản ứng gì thì người thanh niên đã cao giọng nói như reo:
- Cô giáo! Cô không nhận ra em ư? Em là Sùng A Mí, thằng học trò cứng đầu bướng bỉnh mà ngày xưa ở Trường Giáo dưỡng số 2, cô đã phải vất vả đây mà.
Rồi anh ta ngẩng cao đầu nói như khoe với những hành khách ngồi quanh: “Đây là cô giáo của tôi ở Trường Giáo dưỡng số 2. Nhờ có cô, có nhà trường mà tôi mới nên người đấy”. Quay lại, anh nắm chặt hai bàn tay cô giáo: “Giờ em là lái xe chính của xe khách này cô ạ. Tháng tới em sẽ lấy vợ. Cô đến dự đám cưới chúng em, cô nhé”.
Cô giáo Thủy xiết chặt bàn tay chai sần của đứa học trò cũ. Bàn tay này đã minh chứng cho cô thấy thành quả công việc dạy dỗ của nhà trường và cô. Từ một đứa trẻ lêu lổng và phạm pháp, nay đã trở thành người lao động chân chính biết sống lương thiện bằng mồ hôi công sức của mình.
Cô giáo nhớ lại ngày đầu thằng bé mới được công an địa phương dong đến nhập trường. Nó to khỏe hơn lũ bạn cùng tuổi nhưng đầu óc thì mít đặc. Hồ sơ địa phương chuyển đến cho thấy nó là một đứa trẻ bất hạnh: Sinh ra đã không có bố, mẹ đẻ ra quẳng ngay cho bà ngoại nuôi. Bà già yếu chỉ biết bòn mót củ sắn, bắp ngô nuôi cháu lay lắt sống qua ngày.
Nó không được đi học. Lớn một chút, 12 tuổi, biết gùi hàng leo núi là nó hăm hở khoác gùi đi vác hàng thuê cho bọn buôn lậu qua biên giới. Nó chỉ biết làm vậy là có tiền mua gạo về đỡ cho bà chứ cũng chẳng cần biết cái thứ hàng nó vác trên lưng là hàng gì? Nếu vác phải hàng cấm như ma túy thì sẽ phải đối mặt với mức án khủng khiếp ra sao? Thế rồi, nó vác phải hàng quốc cấm thật và bị công an bắt. Nếu là người lớn chắc không dựa cột cũng phải tù lâu. Nhưng nó còn quá nhỏ nên người ta đưa vào trường giáo dưỡng này. Đến đây, lần đầu tiên trong đời nó mới được biết thế nào là lớp học. Cô giáo Thủy tươi cười đưa cho nó một sấp sách vở. Nó hẩy ra và bảo:
- Từ bé tao đã bị bà nhốt trong bu gà để bà đi cuốc nương, cái đầu tao nó tối tăm như con gà, con lợn ấy, chẳng học được đâu. Mày đừng bắt tao học.
Không một chút buồn phiền về cách xưng hô lếu láo của đứa học trò mới, cô giáo Thủy vẫn dịu dàng:
- Cô đố các em, con người khác hơn con gà, con chó, con lợn ở điểm gì nào?
Các học trò của cô nhanh nhảu giơ tay xin nói. Cô gật đầu bảo:
- Các em nói đúng. Con người hơn con vật ở chỗ biết nói, biết suy nghĩ và biết đọc, biết viết, biết đi học để có trí khôn điều khiển muôn loài. Nếu ta không chịu học, không biết đọc biết viết, không có trí thông minh thì sẽ ra sao nhỉ?
Cứ thế, cô vừa “dạy” vừa “dỗ” đưa những đứa trẻ bị ném ngoài lề xã hội dần vào kỷ cương nền nếp.
Tôi đã được vào thăm những lớp học đặc biệt như thế này của cô giáo Thủy, cô giáo Hà, thầy Lượng... Trò chuyện với những đứa trẻ có thành tích bất hảo được công an địa phương đưa vào đây, các em thú thật với tôi rằng trên quãng đường hàng trăm cây số từ nhà đến trường giáo đưỡng, đứa nào cũng có cùng một ý định là bỏ trốn để trở lại với cuộc sống lang thang buông thả trước đây.
Song, khi vào đến trường thì chúng đã gặp được các thầy, cô giáo như thầy Phạm Xuân Chí, cô Phạm Thị Mậu, cô Nguyễn Thị Thủy, cô Phạm Thị Thụy, thầy Vũ Hoàng Thành, cô Nguyễn Thu Hà, cô Lưu Việt Phương... mỗi người có một phương pháp sư phạm khác nhau, nhưng ai cũng thật hiền hậu tận tình, hết lòng yêu thương dìu dắt chúng. Thế là, ý định bỏ trốn bay mất từ lúc nào.
Sống xa nhà, thường những khi ốm đau người ta thấy cô đơn nhất. Nhưng ở đây, mỗi khi trái nắng trở trời đau yếu, các em lại có những bàn tay vỗ về săn sóc như hệt bàn tay của người mẹ, người cha, điều mà trước khi vào đây hiếm khi các em có được. Rồi khi gặp phải những vấn đề trắc trở ưu phiền trong quan hệ với bạn bè trường lớp, các em lại có chỗ để tìm đến. Đó là phòng tư vấn với những chuyên gia tâm lý kỳ cựu như cô Phạm Thị Mậu.
Tôi nghĩ, mỗi ngôi trường phổ thông ở bên ngoài cũng rất cần một phòng tư vấn như mô hình ở đây. Nếu các em được gỡ bỏ mọi ưu phiền để trở về nhịp sống thanh thản vô tư thì mỗi ngày của các em mới là một ngày vui vẻ và mái trường của các em mới thật sự là ngôi trường hạnh phúc.
Trung tá Nguyễn Thị Thủy với các em học sinh lớp 1. Ảnh: Khánh Toàn |
Đại úy Trần Đại Lượng dạy các em học nghề làm cửa nhôm kính. Ảnh: Khánh Toàn |
Bữa cơm gia đình – thước đo hạnh phúc của trẻ
“Những bữa cơm gia đình chính là thước đo hạnh phúc của một đứa trẻ” - Cái triết lý nhân sinh tưởng chừng rất giản đơn nhưng không phải ai cũng biết ấy tôi được nghe từ thầy Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 Trần Hữu Trung, người thầy giáo mang quân hàm Đại tá.
Trông ông thật hiền lành chân chất như hệt một nhà Nho và ông luôn có những suy nghĩ thật thâm trầm sâu sắc. Đó là trí tuệ của một thuyền trưởng luôn phải đưa ra những phác đồ cần thiết để lái con thuyền chở hàng trăm, có lúc tới hàng nghìn mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn tới đích. Suy ngẫm sâu xa về những điều ông nói, tôi thấy quả đúng là như thế.
Những đứa trẻ lang thang bụi đời, phạm pháp... được xã hội gửi vào đây thử hỏi có đứa nào hàng ngày được ăn những bữa cơm gia đình đầy đủ và đầm ấm, được hưởng sự chăm chút yêu thương của mẹ cha? Thực tế cho thấy hầu hết chúng đều bị cha mẹ bỏ rơi hoặc hắt hủi, phải sống vạ vật thiếu cả vật chất lẫn tinh thần rồi bị cuốn ra đầu đường xó chợ. Chúng như những con chó hoang dữ dằn, như cành cây dại xù sì gai góc.
Ngồi trò chuyện trong một tối trực của thầy giáo Trung tá, Phó Hiệu trưởng Lưu Hồng Thanh tôi đã được nghe kể về cuộc đời của biết bao đứa trẻ đáng thương như thế. Giọng thầy như chùng xuống rưng rưng khi nói về các em. Thầy bảo: “Ở đây điều kiện vật chất còn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn thường tổ chức những bữa cơm đầm ấm không khí gia đình vì có cả người thân của các em, khi được chúng tôi mời đến.
Những ông bố, bà mẹ hoặc ông, bà các em khi đặt chân tới đây ai cũng ngỡ ngàng trước một khuôn viên nhà cửa bề thế, xanh, sạch, đẹp của trường trại nơi con, cháu mình sinh sống. Trước đây, trong tâm tưởng họ vẫn nghĩ con, cháu mình đang phải thụ án trong một trại giam chật hẹp, tăm tối. Và điều khiến họ ngạc nhiên hơn cả là sự đổi thay quá đỗi kinh ngạc của con cháu mình. Nếu ở nhà trước kia nó là đứa trẻ lấc cấc, lưu manh thì vừa đặt chân tới đây họ sững người trước những lời chào lễ phép ngoan ngoãn của chúng.
Rồi các con còn cúi đầu xin lỗi gia đình về những lỗi lầm mà mình đã mắc phải. Có bà mẹ giàn giụa nước mắt nói với các thầy cô: “Cảm ơn các thầy cô. Con tôi đã được lột xác thành một đứa trẻ khác mà tôi không thể nhận ra. Vào đây, nhìn những cử chỉ yêu thương săn sóc các cháu của các thầy cô chúng tôi càng thấy xấu hổ vì mình chỉ mải làm ăn, chẳng quan tâm gì đến con cái”.
Vào một ngày hội “Bữa cơm gia đình” của các em, cô giáo Thủy đã thấy đứa học trò lớp Một cao lớn lộc ngộc của mình chạy như bay ra cổng đón ông ngoại, miệng không ngớt reo: “Ông ơi, con biết chữ rồi nhé. Con biết đọc, biết viết rồi nhé. Con giỏi hơn mẹ con, hơn cả ông rồi ông nhỉ”. Ông già rưng rưng nước mắt ôm chặt lấy thằng cháu và quay lại nói với cô giáo: “Các thầy cô ơi, tôi mừng quá. Tôi tiếc là cháu sắp hết hạn ở đây. Cho tôi xin cho cháu được ở lại học thêm một khóa nữa nhé”.
Trung tá Phạm Thị Thụy trong lớp dạy nghề may. Ảnh: Khánh Toàn |
Làm người cha người mẹ thứ hai
Tôi hỏi thầy giáo Hoàng Nhật Minh về những khó khăn vất vả của anh khi cả hai vợ chồng cùng công tác tại ngôi trường đặc thù này. Anh cười và bảo: “Đúng là dạy ở đây phải chấp nhận khó khăn vất vả hơn so với các trường phổ thông bên ngoài. Nếu ở trường phổ thông bên ngoài, tan giờ học là các thầy cô được về nhà săn sóc gia đình con cái.
Nhưng ở đây, chúng tôi phải có trách nhiệm với những đứa trẻ bất hạnh, phải thay cha mẹ chúng trông coi chăm sóc chúng. Vì thế, mỗi giáo viên một tuần phải trực ba, bốn đêm. Trừ các cô giáo có con nhỏ chỉ trực đến 9 giờ tối, còn tất cả đều phải trực qua đêm. Ngoài giờ học văn hóa, học nghề, thầy cô vẫn phải theo sát để săn sóc giúp đỡ, nhất là khi các em đau yếu lại càng cần đến bàn tay vỗ về yêu thương của thầy cô giáo”.
Tôi chợt nhớ đến những trường hợp học sinh mới vào trường có đem theo căn bệnh HIV/AIDS hoặc nghiện hút. Ai mà chẳng ghê sợ căn bệnh thế kỷ này, nhưng công việc lại yêu cầu phải gần gũi để giúp các em cắt cơn, chữa bệnh. Nghe thầy giáo kể về những công việc thầm lặng ấy với giọng bình thản, tôi càng thấy quý hơn những người thầy bình dị mà rất đáng ngưỡng mộ ở đây.
Hàng năm, ngôi trường này đã chỉnh sửa, hoàn tất và gửi về cho xã hội hàng trăm sản phẩm bị lỗi mà không hề đòi hỏi một chút đền đáp từ gia đình các em, mặc dù làm nên lầm lỗi không chỉ do các em. Phía sau tội lỗi của một đứa trẻ hư chính là lỗi lầm của những người đã sinh ra chúng. Hiện nay, con số các cặp vợ chồng ly hôn đã tăng đến mức báo động.
Thầy Hiệu trưởng, Đại tá Trần Hữu Trung khẳng định: “Nền giáo dục của chúng ta chỉ hoàn chỉnh khi có sự kết hợp chặt chẽ cả ba môi trường: Gia đình - Nhà trường và Xã hội”. Đúng vậy. Mong các ông bố, bà mẹ trước khi quyết định một hành động hãy nghĩ đến những đứa con. Mong cả xã hội hãy quan tâm nhiều hơn đến những mảnh đời bất hạnh, hãy chìa bàn tay yêu thương đón chúng khi chúng rời trường giáo dưỡng trở về.