Mái ấm yêu thương dành cho sinh viên Lào

GD&TĐ - Thông qua chương trình “Ở nhà dân”, SV Lào đang sống và học tập tại Đà Nẵng được trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.

Vợ chồng bà Thành cùng nữ sinh viên Lào.
Vợ chồng bà Thành cùng nữ sinh viên Lào.

Đón những đứa con của xứ sở hoa Champa

Vừa qua, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tại TP Đà Nẵng phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Ở nhà dân” dành cho sinh viên Lào năm 2023.

Theo đó, các gia đình tại các quận như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ đã đón 148 sinh viên Lào đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn thành phố về nhà sinh sống trong 2 tuần.

Năm nay, gia đình ông Bùi Nguyên Vinh (SN 1963) và bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1972) trú số 15 đường Nguyễn Phú Hường, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ vừa nhận nuôi 2 sinh viên là Ladthazad Sysavath và Supthavy Kythavone (18 tuổi) – ngành Quốc tế học, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).

Vợ chồng ông Vinh cho biết, việc giúp đỡ và đón những sinh viên Lào đến ở tại nhà mình là một niềm vui và vinh dự. Từ khi có thêm 2 đứa con trai (cách ông Vinh gọi lưu học sinh Lào – PV) gia đình ông rộn ràng hơn mọi khi.

Ông Vinh chia sẻ, bản thân ông là một sĩ quan quân đội về hưu từ năm 2019. Để tiếp tục đóng góp cho xã hội, ông tham gia làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh kiêm trưởng ban công tác mặt trận của khu dân cư nơi gia đình đang cư trú.

“Khi có thông tin phường tiếp nhận sinh viên Lào về ở nhà dân tôi đã bàn với vợ sớm đăng ký với phường cho các con về ở. Từ khi các con về, gia đình càng đông vui. Việt Nam và Lào hai nước như anh em, hơn nữa vợ chồng tôi coi các cháu như con cháu trong nhà nên từ việc ăn uống cho đến đi học vợ chồng tôi đều lo một cách chu đáo nhất”, ông Vinh vui vẻ chia sẻ.

Theo lời ông Vinh, do “các con” nói tiếng Việt chưa sành sỏi nên ông và vợ phải dùng phần mềm chuyển đổi ngôn ngữ để trao đổi và trò chuyện.

Bà Huệ cho biết, hàng ngày ngoài nấu các món ăn truyền thống, bà cũng chú ý sở thích của các con. “Vợ chồng tôi quan niệm rằng, dù các con có ở vài ngày hay lâu dài thì chúng tôi vẫn phải lo cho chu đáo. Tôi cũng nhắn nhủ rằng các con xa quê đi học, không có người thân bên cạnh nên cần gì thì cứ nói với ba mẹ, ba mẹ luôn bên cạnh và giúp đỡ các con”.

Sinh viên Ladthazad Sysavath cho hay, em qua Việt Nam học được 9 tháng nay. Những ngày đầu ở ký túc xá, Ladthazad được thầy cô và bạn bè tại trường hỗ trợ rất nhiệt tình nên em nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống ở Việt Nam. “Ngày được về ở cùng với ba Vinh và mẹ Huệ em rất vui.

Nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai của em vậy. Gần 2 tuần nay, vì thời tiết Đà Nẵng lạnh, sợ đường xa nguy hiểm nên mỗi ngày ba Vinh và mẹ Huệ đều thay nhau chở chúng em đi học”, Ladthazad Sysavath cố gắng diễn đạt bằng tiếng Việt.

Supthavy Kythavone thì tỏ ra rất thích thú khi nói “chương trình “Ở nhà dân” đã giúp em hiểu được văn hóa, cuộc sống người Việt Nam nhiều hơn. Em được ba mẹ giới thiệu về phong tục, văn hóa của địa phương. Con người Việt Nam rất thân thiện và tốt bụng”.

Tại ngôi nhà nhỏ ở K01B/11 đường Lê Trọng Tấn (phường An Khê, quận Thanh Khê), ba nữ sinh người Lào đang quây quần bên không gian căn bếp. Các em được mẹ Việt là bà Trần Thị Lan Thành (SN 1970) hướng dẫn cách làm các món ăn truyền thống của miền Trung Việt Nam.

Từ khi tiếp nhận các nữ sinh Lào về nhà, gia đình bà Thành lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. “Gia đình tôi vốn ít người, đã vậy còn không có con gái nên khi tiếp nhận ba nữ sinh về nhà lưu trú tôi rất vui. Tôi cũng đặt tên bằng tiếng Việt cho các con luôn cho dễ gọi”, bà Thành thông tin.

Là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Duy Tân, em Xaisomphou Khaikeo được mẹ Thành đặt tên là Ngọc Lan. Ngọc Lan tâm sự rằng, những ngày lưu trú tại nhà mẹ Thành có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất của em khi sống và học tập tại Việt Nam. “Em được ba mẹ hướng dẫn nấu các món ăn truyền thống của người Việt. Đặc biệt em được ba mẹ chở đi học, rồi may áo dài truyền thống tặng nữa. Em thấy rất thích và cảm động”.

Ladthazad Sysavath và Supthavy Kythavone được Đoàn thanh niên phường Hòa Thọ Tây đưa đi tham quan.
Ladthazad Sysavath và Supthavy Kythavone được Đoàn thanh niên phường Hòa Thọ Tây đưa đi tham quan.

Tình hữu nghị thắm thiết

Trước đây người cha của bà Thành từng là bộ đội tham gia chiến đấu tại đất nước Lào, ông đã từng được một người mẹ Lào nuôi dưỡng, chăm sóc lúc ốm đau, sốt rét. Khi được cha kể lại những chuyện này bà Thành càng yêu quý hơn những người dân Lào anh em.

“Đây là lần thứ hai gia đình tôi nhận nuôi sinh viên Lào, khi có chương trình tôi đã đăng ký ngay. Đối với tôi, đất nước Lào và Việt Nam như những người anh em trong gia đình. Không những vậy đây là lúc gia đình tôi trả nợ ân tình với mỗi người dân Lào thân thương đã giúp đỡ cha tôi trong những lúc gian khó”, bà Thành tâm sự.

Còn ông Bùi Nguyên Vinh thì cho hay: “Gia đình tôi có cơ duyên gặp những sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận và nuôi dạy các con là sinh viên Lào, thậm chí nuôi 5 - 7 cháu vẫn được. Bởi tôi xem chúng như những đứa con ruột thịt trong gia đình. Đây là một chương trình mang ý nghĩa to lớn, tạo tình cảm gắn kết, đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Lào”.

“Ở nhà dân” dành cho sinh viên Lào được triển khai từ năm 2011 đến nay đã trở thành điểm sáng, cũng là mô hình tiêu biểu được triển khai nhân rộng trong cả nước. Từ chương trình này, nhiều quan hệ kết nghĩa bố mẹ - con, anh - chị - em Việt - Lào được hình thành. Đây chính là hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em.

“2 tuần là quãng thời gian quý báu và ý nghĩa của các sinh viên Lào để các em cảm nhận được cuộc sống gia đình ấm cúng, yêu thương và gắn bó. Các em sẽ có cơ hội nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, lịch sử và cuộc sống của người dân Đà Nẵng.

Qua chương trình các em sẽ có thêm một gia đình và kể cả sau khi trở về nước, tình cảm gia đình đặc biệt ấy sẽ mãi mãi theo các em suốt cuộc đời”, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Lào thành phố nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.