Cùng “Ch:ấm” tiếp cận nghệ thuật điện ảnh

GD&TĐ - Talkshow đã tập trung phân tích, chia sẻ những quan điểm cá nhân về sự cảm nhận nghệ thuật điện ảnh cũng như góc nhìn chiều sâu về chiến tranh.

Nhà nghiên cứu, giảng viên Hoàng Cẩm Giang cùng các diễn giả trẻ chia sẻ các góc nhìn về chiến tranh.
Nhà nghiên cứu, giảng viên Hoàng Cẩm Giang cùng các diễn giả trẻ chia sẻ các góc nhìn về chiến tranh.

“Chấm: Is this tomorrow?” là cuộc thảo luận, trò chuyện giữa diễn giả giảng viên, Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang cùng các diễn giả học sinh K112 Văn và cựu học sinh chuyên Văn trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) xoay quanh góc nhìn điện ảnh khai thác hiện thực chiến tranh.

Thông qua hai bộ phim “Jojo Rabbit” (2019) và “Life is Beautiful” (1997) talkshow đã tập trung phân tích, chia sẻ những quan điểm cá nhân về sự cảm nhận nghệ thuật điện ảnh cũng như góc nhìn chiều sâu về chiến tranh.

Sự kiện là một trong những nội dung khởi động cho dự án “Ch:ấm” đầy tâm huyết của các bạn học sinh K112 Văn – Trường trung học phổ thông Chu Văn An khởi động từ tháng 1/2021.

Đi sâu vào đề tài chiến tranh với số phận bi thảm của những người Do Thái thông qua hai tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, các ý kiến đều nhấn mạnh cảm nhận kinh hoàng bởi sự dã man và độc ác của chế độ độc tài của thời khắc đen tối nhất trong lịch sử loài người. Các bạn trẻ đã thể hiện sự hiểu biết khá sâu sắc và mối quan tâm đặc biệt của mình trước thái độ đối với cuộc sống của các nhân vật chính trong phim.

Không chỉ thảo luận về giá trị ngôn ngữ điện ảnh khi phản ánh hiện thực tàn khốc của chiến tranh, về vấn đề quyền lực, định kiến, kẻ mạnh và kẻ yếu, sự méo mó nhân tính, những cú sốc tâm lý… những câu hỏi thú vị và đầy tinh thần trách nhiệm cũng đã được các bạn trẻ đặt ra: Trong sự tàn khốc của chiến tranh, chúng ta đã bảo vệ những đứa trẻ như thế nào? Bước ra khỏi chiến tranh chúng ta còn lại những gì?

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy, chủ nhiệm dự án “Ch:ấm” cho biết: Dự án này là hoạt động nằm trong nỗ lực đổi mới giáo dục theo tinh thần của Chương trình giáo dục năm 2018 của giáo viên và học sinh lớp 11 Văn nói riêng và học sinh trường trung học phổ thông Chu Văn An nói chung.

Thông qua dự án này, chúng tôi mong muốn khẳng định những hình thức học tập sáng tạo, kích thích được năng lực và giá trị của từng học sinh, gắn việc học tập với định hướng nghề nghiệp.

Dự án mùa đầu tiên với tên gọi “Is this tomorrow” là hương đầu mùa tươi thắm, hứa hẹn những bước đi vững chắc của một định hướng học tập năng động của tuổi trẻ trung học phổ thông Chu Văn An thế hệ 4.0”.

Lấy nguồn cảm hứng và sự đam mê về bộ môn Ngữ văn, các bạn trẻ tham gia dự án mong muốn đem đến những góc nhìn, khía cạnh có chiều sâu mới, phong cách mới về các vấn đề văn hóa, nghệ thuật và xã hội.

 “Ch:ấm” của chúng em sẽ hoạt động trong nhiều mùa và với mỗi mùa “Ch:ấm” sẽ đặt ra những chủ đề khác nhau, tìm kiếm một không gian mở để người tham dự có thể thoải mái tranh luận, trao đổi cởi mở và tiếp cận những góc nhìn thú vị về cuộc sống.

Để biến các hoạt động ngoại khóa thành sức hút và trang trí không gian lớp học đậm chất nghệ thuật, các thành viên tham gia dự án này sẽ không ngừng tìm hiểu, trau dồi để có lượng kiến thức phong phú, tự học để nâng cao hiểu biết về nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau”, Duy Phong, thành viên ban Truyền thông của dự án chia sẻ.

Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang chia sẻ cảm nhận của mình: “Tôi rất cảm động, thấy thật thú vị  về chương trình và thêm trân trọng các em. Giữa thế kỷ 21, trong khi có bao nhiêu vấn đề hấp dẫn thu hút sự quan tâm của giới trẻ mà các em lại dành nhiều thời gian, tâm huyết  đọc, xem, nghiên cứu tìm hiểu và quan tâm, lật xới để chỉ ra những mặt trái tàn khốc của chiến tranh.

Các em đi tìm cái đẹp nhỏ nhoi, vẻ đẹp của sự bình yên trong những số phận con người. Khi điểm mặt gọi ra tên cái ác, thì đó chính cũng là lúc các em được nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện, giàu tính nhân văn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ