Dịch vẫn tiềm ẩn
Theo báo cáo của cơ quan thú y các địa phương, từ đầu năm đến nay, cúm gia cầm xuất hiện rải rác. Thừa Thiên - Huế, Nam Định và An Giang đều ghi nhận đàn gia cầm, thủy cầm mắc bệnh, chết.
Gần đây, cơ quan chức năng huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng thông báo về ổ dịch xảy ra tại xã Ninh Quới A. Theo đó, hơn 3.000 con gà của một hộ dân bị chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N1. Cũng trên địa bàn xã Ninh Quới A, còn có 2 hộ nuôi gia cầm, gia súc mắc bệnh khiến gần 3.000 con gà chết và 68 con lợn có triệu chứng mắc bệnh lở mồm long móng, 56 con chết sau đó.
Mặc dù chính quyền địa phương và ngành thú y đã tiến hành tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh. Đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh lây từ động vật sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế Bạc Liêu tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người tại các khu vực phát hiện gia cầm ốm, chết và những khu vực có nguy cơ cao. Vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm.
Tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt tại các điểm thu gom, buôn bán gia cầm và chăn nuôi tập trung để phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch phòng tránh lây nhiễm từ gia cầm sang người. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh, điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch…
Nguy cơ bùng phát
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, dịch cúm trên gia cầm và trên người hiện khá… yên ắng nhưng thông báo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy trong thời gian gần đây, tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người. Tại Lào, cơ quan chức năng cũng ghi nhận mắc cúm A/H5N trên gia cầm và cúm A/H5N6 trên gia cầm cũng được ghi nhận tại Philippines.
Ở nước ta, các chủng virus cúm gia cầm như cúm A/H7N9, cúm A/H5N2, cúm A/H5N8 chưa được ghi nhận nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 là thời điểm người dân gặt lúa và bắt đầu nuôi gia cầm, thủy cầm để chuẩn bị Tết Dương lịch và Nguyên đán.
Đàn vịt chạy đồng luôn là nỗi lo của những người làm dịch tễ bởi nguy cơ nhiễm bệnh và lây truyền sang đàn gia cầm, thủy cầm cũng như lây sang người rất lớn. Hơn nữa, cuối năm cũng là lúc nhu cầu sử dụng gia cầm và sản phẩm từ gia cầm tăng cao tạo cơ hội cho hộ buôn bán nhỏ lẻ đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng vào nước ta. Việc giao thương, đi lại của người dân trong thời gian này cũng lớn. Vì vậy, việc lây truyền bệnh từ gia cầm sang người, người sang người cũng có khả năng xảy ra.
Trước nguy cơ bùng phát dịch cao và khả năng lây lan sang người lớn, từ đầu tháng 9, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai một số biện pháp như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu qua biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Tăng cường các hoạt động quản lý buôn bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường; Giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh…