Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ về đề thi tốt nghiệp THPT 2025

GD&TĐ - Điểm mới về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Hướng nhiều hơn vào đánh giá năng lực vận dụng kiến thức

Theo đó, đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do đó, đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.

Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Có thể thấy, với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp; trong khi tỉ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.

Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

Thí sinh cần hiểu bản chất vấn đề thay vì học thuộc lòng máy móc

Lưu ý, nhắn gửi tới thí sinh, GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết: Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những Kỳ thi trước, Bộ GD&ĐT đã có các bước chuẩn bị từ sớm, từ xa, tích cực và kỹ lưỡng. Những chuẩn bị này cũng là để hướng tới một Kỳ thi thuận lợi nhất cho thí sinh.

Đối với các thí sinh, để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi, các em cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12, hiểu rõ mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất.

Vì vậy, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.

“Bộ GD&ĐT đã công bố các đề tham khảo giúp thí sinh làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.

Ngoài ra, đây là giai đoạn quan trọng, nhưng cũng dễ gây căng thẳng. Các em cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi”, GS.TS Huỳnh Văn Chương nhắn gửi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ