Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT: Không có quy định phân loại trường quốc tế và trường không quốc tế

GD&TĐ - Trường quốc tế là cái tên quen thuộc ở các thành phố lớn từ nhiều năm nay, mặc nhiên tồn tại song song với các trường như công lập, dân lập, tư thục. Vậy quốc tế thực chất là gì, được quy định thế nào trong Luật Giáo dục. Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT đã giải thích về vấn đề này.

Trường Gateway “tự phong” là trường quốc tế
Trường Gateway “tự phong” là trường quốc tế

Ông Phạm Quang Hưng cho biết: Không có quy định phân loại trường quốc tế và trường không quốc tế. Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập. Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.

Trong loại hình trường tư thục có chia làm 2 loại: Trường tư thục có vốn Việt Nam và trường tư thục có vốn nước ngoài. Về việc thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đã có rất nhiều văn bản quy định liên quan như Luật Nghị định 73/2012/NĐ-CP; Thông tư liên tịch 14/2005...

Theo xu thế, trường quốc tế được nhiều người yêu thích lựa chọn. Từ “quốc tế” cũng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công ty quốc tế, bệnh viện quốc tế, ngân hàng quốc tế... và được nhiều người mặc định là một cơ sở chất lượng cao.

Việc đặt tên của các cơ sở giáo dục đã được quy định rất chặt chẽ tại các quy định như Nghị định 86 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Thông tư 12 ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo đó, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và “tên riêng” và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ “quốc tế” mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định.

Nhưng không nên nhìn vào tên trường để thấy tất cả nội dung trong đấy. Các phụ huynh cần phải tìm hiểu kĩ về trường trước khi lựa chọn cho con em mình. Tức là phải tìm hiểu qua kênh website của trường, qua thông tin từ các cơ sở quản lí GD, các Sở GD&ĐT và trực tiếp hỏi qua các phụ huynh khác hiểu về trường thế nào. Bộ GD&ĐT đã quy định phải công khai tất cả hoạt động trên website của trường.

Nghị định 127/2018/NĐ-CP về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đã quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước trong giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, căn cứ Quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý Nhà nước của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.

Trong thời gian vừa qua, dư luận đã nói rất nhiều và phản ánh các trường có đưa tên quốc tế vào là nhằm mục đích thu hút HS, giá học phí cũng cao hơn. Về việc này Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá đầy đủ, trên cơ sở đó quyết định có nên quy định cụ thể về việc dùng từ quốc tế hay không.

Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT mong nhận được sự phối hợp người dân trong việc cung cấp các thông tin về những hiện tượng vi phạm của các cơ sở giáo dục để kịp thời xác minh, chấn chỉnh và xử lý vi phạm (nếu có).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ