Cục trưởng Cục CSVC Bộ GD&ĐT: Cần tính toán quy mô trường học phù hợp với quy mô dân số

GD&TĐ - Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất - Trưởng đoàn), cùng đại diện các đơn vị chức năng của Bộ vừa tiến hành khảo sát cơ sở vật chất cho chương trình GD phổ thông mới; quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD; an toàn trường học tại tỉnh Nam Định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giáo viên có tinh thần cao về thực hiện đổi mới chương trình

Sau khi khảo sát 6 trường học ở các cấp học mầm non, tiểu học,  THCS, tại 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Cục trưởng Cục CSVC nhận xét: “Qua thực tiễn khảo sát, cho thấy điểm chung ấn tượng ở các cơ sở GD của Nam Định là khuôn viên nhà trường được quan tâm, đầu tư, bố trí rất thoáng, sạch, nhiều cây xanh, cây bóng mát. Cấp tiểu học cơ bản đáp ứng được đủ phòng học theo yêu cầu đổi mới. Tỷ lệ HS/lớp đúng tiêu chuẩn. Việc đảm bảo CSVC để thực hiện Chương trình GD phổ thông mới cho lớp 1 được chuẩn bị tốt”.

Cũng theo ông Phạm Hùng Anh, Chương trình GD phổ thông mới đặt ra yêu cầu cao hơn trước đây về phòng học chức năng. Thực tế kiểm tra các cơ sở GD, có trường đã lập kế hoạch xây dựng, cải tạo; có trường đang tiến hành xây dựng phòng học chức năng.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT khảo sát thực trạng nhà vệ sinh trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT khảo sát thực trạng nhà vệ sinh trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Về an toàn trường học, nhìn chung các trường học được khảo sát hiện nay đều đảm bảo an toàn cho HS, GV. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hùng Anh, đây là vấn đề đòi hỏi cần có sự kiểm tra của cơ quan có chuyên môn, thẩm quyền (về xây dựng, đánh giá chất lượng công trình…). Do đó, các cơ sở GD, ngành GD địa phương cần đề nghị và nhắc nhở UBND các cấp, nhất là cấp xã, huyện, các cơ quan chuyên môn của địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng, chất lượng các công trình trường học.

Đoàn công tác nhận xét, sự chuẩn bị của GV cấp tiểu học, đặc biệt là tinh thần của GV dạy lớp 1 được chuẩn bị tốt, thể hiện quyết tâm thực hiện đổi mới chương trình. Tuy nhiên, thiết bị dạy học (TBDH) cho lớp 1 cần được sớm cung cấp đầy đủ để GV thực hiện đổi mới chương trình thuận lợi. Bên cạnh đó, vai trò của phòng học bộ môn rất quan trọng trong đổi mới chương trình GD phổ thông, do đó việc thiếu phòng học bộ môn sẽ gây những khó khăn khi thực hiện đổi mới chương trình, trước mắt là với lớp 1 trong năm học này.

Nhà ăn ngăn nắp, sạch sẽ
Nhà ăn ngăn nắp, sạch sẽ

“Trách nhiệm xây dựng, đầu tư CSVC nhà trường, cung cấp TBDH là của UBND các cấp. Nhưng nếu Sở, Phòng GD&ĐT chú trọng quan tâm, tham mưu, đề xuất kịp thời… mới giải quyết được tận gốc các khó khăn”- ông Phạm Hùng Anh đề nghị.

Một điểm về CSVC trường học ở Nam Định được Đoàn công tác khảo sát đánh giá cao, đó là hệ thống nhà vệ sinh của các cơ sở GD đều được bố trí sạch sẽ, thoáng, đạt chuẩn, thuận tiện cho HS.

“Có một thực tế trong cả nước là nhà vệ sinh trường học lâu nay vẫn có nơi coi như nhà vệ sinh dân dụng. Trong khi, thực tế vận hành lại cần phải thiết kế, xây dựng như nhà vệ sinh công cộng, việc thông thoáng khí rất quan trọng. Mô hình quản lý, sử dụng nhà vệ sinh của trường học cần được các địa phương, trường học quan tâm. Sắp tới Bộ sẽ xem xét đưa ra tiêu chí mới về nhà vệ sinh trường học”- Ông Phạm Hùng Anh lưu ý.

Riêng về vấn đề sắp xếp, dồn dịch lại trường lớp, qua khảo sát Đoàn công tác nhận xét, sau khi sáp nhập biên chế giảm không nhiều. Nếu thực hiện không khéo có thể ảnh hưởng đến chất lượng GD. Trong khi đó, xây dựng CSVC trường lớp khi dồn 2, 3 trường thành 1 trường, cần tính đến thực tế công tác xã hội hoá ở khu vực điểm trường này sẽ khác với điểm trường kia. Việc dồn dịch trường cũng có thể ảnh hưởng về tập trung nguồn lực đầu tư, nếu không được tính toán đầy đủ. Việc sáp nhập khiến có trường học quy mô quá lớn, số lượng HS đông, không đáp ứng được những tiêu chí mới trường đang đạt chuẩn có thể trở thành không đạt chuẩn. Mặt khác, khi hiệu trưởng giảm còn 1 người, công tác quản lý nhà trường sau sáp nhập có thể sẽ khó khăn, vất vả hơn…

“Ở các địa phương trong cả nước, cần tính toán quy mô trường học phải phù hợp với quy mô dân số. Không thể dồn dịch trường học rập khuôn - cứ 1 xã chỉ có 1 trường tiểu học”- Cục trưởng Cục CSVC nêu.

Quyết tâm làm“tốt ngay từ đầu”

Ấn tượng lớn nhất của Đoàn công tác khi đến khảo sát các trường học ở Nam Định đó là: Ngân sách dành cho GD chưa nhiều nhưng công tác XHH rất tốt. Công trình trường học nào cũng khang trang, đẹp đẽ; những công trình đang xây dựng bề thế đều nhờ XHH. Đặc biệt, ở huyện Nam Trực đã XHH được tới 65.000 m2 đất cho trường học. Đây là điểm sáng, có phần đã vận dụng thành công khi tiến hành XHH GD cùng với Chương trình nông thôn mới để có đất cho trường học- yếu tố quan trọng đầu tiên giúp thực hiện được xây dựng, mở rộng trường lớp.

Công trình phòng học của Trường THCS Thị trấn Nam Giang (Nam Định) đang được xây dựng hoàn toàn bằng XHH.
Công trình phòng học của Trường THCS Thị trấn Nam Giang (Nam Định) đang được xây dựng hoàn toàn bằng XHH.

“Sau khi có quỹ đất rồi, đề nghị quy hoạch tổng thể nhà trường, xác định không gian của nhà trường. Quy hoạch không gian, kiến trúc của một nhà trường chuẩn rồi, ngay những nhà hảo tâm nhìn vào bản vẽ quy hoạch cũng biết được nên đầu tư như thế nào, muốn đầu tư tặng nhà trườnghạng mục nào trong quy hoạch đó” - Trưởng đoàn khảo sát của Bộ nêu.

Theo thông tin của Sở GD&ĐT Nam Định, năm học 2020- 2021, toàn tỉnh có 230 trường mầm non, 227 trường tiểu học, 228 trường trung học cơ sở và 57 trường trung học phổ thông. UBND tỉnh đã xây dựng đề án kiên cố hoá trường, xoá phòng học xuống cấp nghiêm trọng, cải tạo và sửa chữa phòng học cho tất cả các cấp học. Xây dựng hệ thống phòng học bộ môn đạt chuẩn, hệ thống thư viện đạt chuẩn và hệ thống nhà vệ sinh theo hướng chuẩn.

Cục trưởng Cục CSVC Bộ GD&ĐT: Cần tính toán quy mô trường học phù hợp với quy mô dân số ảnh 4

Năm 2020, Sở GD&ĐT đã tổng hợp nhu cầu từ thực tế từ cơ sở GD và trình UBND tỉnh, bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình GD phổ thông mới. Đồng thời,tham mưu về vấn đề tự chủ cho các trường mầm non; hướng dẫn, quy định cụ thể, chi tiết từng khoản kinh phí.

Căn cứ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 và 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đảm bảo hợp lý, phát huy được hiệu quả.

Chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021, các Phòng GD&ĐT trong tỉnh đã chủ động kiểm tra, rà soát thực trạng CSVC, thiết bị dạy học, tạm dừng hoạt động đối với các hạng mục CSVC xuống cấp, hư hỏng, để tổ chức cải tạo, sửa chữa, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Ông Cao Xuân Hùng (Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định) cho biết quyết tâm của Ngành GD địa phương này: “Chúng tôi quyết tâm triển khai Chương trình GD phổ thông mới 2018 tốt ngay từ đầu. Đội ngũ giáo viên cũng bày tỏ tâm thế sẵn sàng và khởi đầu tốt trong thực hiện Chương trình GD phổ thông mới, ngay từ lớp 1 đối với năm học mới 2020 - 2021”.

Đánh giá chung của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT: Ngành GD Nam Định cần chủ động hơn, các cấp xã, huyện cần chú ý hơn tới hướng dẫn của các thông tư, quy định… Nam Định đã thực hiện tốt các chủ trương đổi mới và cần thực hiện tốt hơn nữa, để có được nhiều kết quả tốt ngay từ năm học đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình GD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ