Bộ Y tế vừa công bố kết quả kiểm nghiệm 247/247 mẫu nước mắm được lấy ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và một số siêu thị.
Theo công bố của Bộ Y tế, trong tất cả các mẫu kiểm nghiệm đều không có arsen vô cơ cùng một số chất gây hại.
Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người đặt ra, đó là, arsen vô cơ gây nguy hiểm cho cơ thể, vậy arsen hữu cơ có gây hại, độc không?
Trả lời câu hỏi này vào sáng 23/10, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, tất cả mọi thứ, thực phẩm, nếu dùng nhiều thì đều có thể gây hại đối với cơ thể của con người.
"Tuy nhiên, với arsen hữu cơ trong nước mắm có thể vốn tồn tại tự nhiên trong thủy sản, nó không phải là chất gây độc như arsen vô cơ.
Ở đây, nếu mà một người dùng, uống cả lít nước mắm một ngày thì chắc chắn là có gây hại nhưng thực tế chả có ai dùng đến như vậy cả mà chỉ dùng một lượng rất nhỏ thôi.
Kết quả xét nghiệm vừa qua được Bộ Y tế thực hiện theo quy trình chuẩn cũng đã không phát hiện nước mắm chứa arsen vô cơ.
Vì thế việc tồn tại của arsen hữu cơ có trong nước mắm sản xuất theo phương pháp thủ công là an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng" - Ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cũng khẳng định, chúng ta có các quy định về hàm lượng vi sinh, kim loại nhưng với arsen hữu cơ trong nước mắm có thể vốn tồn tại tự nhiên trong thủy sản, không phải là chất gây độc như arsen vô cơ nên không có quy định về hàm lượng này.
"Đối với arsen hữu cơ không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng xác nhận là nó tồn tại tự nhiên trong thủy sản, không độc đến mức độ người ta phải đánh giá nguy cơ và quy định hàm lượng trong thủy sản như ở chúng ta là trong nước mắm" - Ông Phong nêu rõ.
Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cũng cho rằng, khi thông tin đến người tiêu dùng, cần phải nói rõ ràng arsen hữu cơ hay vô cơ, chứ không đánh đồng gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Căn cứ trên các xét nghiệm mới nhất của Bộ Y tế tiến hành, ông Phong tái khẳng định, không tìm thấy arsen vô cơ gây độc trong 247/247 mẫu nước mắm được lấy.
Ông cũng cho hay, sản xuất nước mắm là nghề truyền thống nhưng phương pháp sản xuất có thể là thủ công hay hiện đại và cho đến hiện nay chưa có một quy định nào về nước mắm thủ công hay nước mắm công nghiệp.
Thông thường, chất lượng nước mắm phải tuân theo tiêu chuẩn 2003 của Bộ KH-CN gồm muối, cá, nước cũng như quy chuẩn của Bộ NN-PTNT 2012 về điều kiện sản xuất đối với cơ sở sản xuất nước mắm.
Nguyên liệu sản xuất gồm cá, nước, muối, trong đó nước sản xuất phải đạt tiêu chuẩn về độ đạm, vi sinh, kim loại. Kể cả nước mắm sản xuất truyền thống hay hiện đại đều phải sử dụng nguồn nước đảm bảo an toàn.
"Nước mắm có nguyên liệu cơ bản cá tươi ủ với muối. Ủ trong một thời gian nhất định, và quá trình ủ chượp mới thu được nước mắm. Nếu không có cá, muối thì không phải là nước mắm", ông Phong nói rõ.
Theo thông tin của Bộ Y tế, đoàn kiểm tra của liên Bộ đã lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp), trên thị trường và một số siêu thị tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Các mẫu đã được đưa đi kiểm nghiệm tại 4 viện kiểm nghiệm hàng đầu của ngành y tế: Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc Gia, Viện Dinh Dưỡng, Viện Y tế Công cộng thành phố Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Nha Trang.
Kết quả như sau: 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện arsen vô cơ.
Kiểm nghiệm các kim loại nặng khác: chì, thủy ngân và cadimi đều không phát hiện.
Không phát hiện mẫu nước mắm nào được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau.
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng, không được vượt ngưỡng theo quy định, đảm bảo độ tinh khiết và không quy định số lượng phụ gia thực phẩm tối đa được phép dùng trong một sản phẩm thực phẩm.
Quy định này của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN.